“… Một tay nắm chặt vô lăng, tay kia đặt trên nút khởi động. Sự căng thẳng bên trong buồng lái càng tăng cao khi các tay đua chờ lệnh xuất phát. Bên ngoài buồng lái, một sự im lặng kỳ lạ bao trùm toàn bộ khu vực khi mọi sự chú ý đều đổ dồn vào thời khắc bắt đầu…”.
Đội đua thuyền máy Bình Định – Việt Nam ở Grand Prix Indonesia. Ảnh: F1H2O
F1H2O là gì?
Giải vô địch thế giới UIM F1H2O (The UIM F1H2O World Championship) là lá cờ đầu trong chuỗi giải đấu quốc tế về đua thuyền máy. Có tính cạnh tranh cao, thách thức khổng lồ, mạo hiểm và mang tính giải trí, F1H2O World Championship là cuộc đua phấn khích đỉnh cao và được coi là một trong những môn thể thao ngoạn mục và thú vị nhất trên thế giới.
Series này thu hút tới 20 tay đua hàng đầu thế giới và là một môn thể thao phải được coi là cuộc đua của niềm tin khi những chiếc catamaran thân hầm tiến vào các khúc cua gắt với tốc độ trên 90 dặm/ giờ và tốc độ cao nhất trên đường thẳng đạt đến 140 dặm/ giờ.
Trong bức tranh toàn cảnh, 18 đến 20 chiếc thuyền 2 thân kiểu dáng đẹp, mạnh mẽ và nhẹ xếp hàng trên cầu phao xuất phát. Bên trong mỗi buồng lái, 1 tay đua ngồi một mình nhìn qua kính chắn gió nhỏ. Một tay nắm chặt vô lăng, tay kia đặt trên nút khởi động. Sự căng thẳng bên trong buồng lái càng tăng cao khi các tay đua chờ lệnh xuất phát. Bên ngoài buồng lái, một sự im lặng kỳ lạ bao trùm toàn bộ khu vực, khi mọi sự chú ý đều đổ dồn vào thời khắc bắt đầu.
Và khi được “thả cương”, những chiếc tàu sẽ bật lên, một sự bùng nổ từ những chiếc động cơ 425 mã lực, tất cả cùng gầm lên, lao nhanh về khúc cua đầu tiên. Sau cảnh tượng đó để lại không gì khác ngoài những dòng bọt nước phun trắng xóa…
Trong một cuộc chơi tốc độ cao, hiểm nguy là điều luôn đồng hành. Các tay đua phải chịu sức ép rất lớn, tại các khúc cua, tốc độ cao tạo ra lực G lên tới 4,5 tác động vào người lái, nghĩa là trọng lượng của họ sẽ tăng lên 4,5 lần. Làm phép so sánh với đua xe F1 trên mặt đất, khi vào cua, lực G chỉ là 2,5. Sự giật, lắc là khủng khiếp trong lúc tầm nhìn gần như bằng không.
Được bắt đầu vào năm 1981, F1H2O World Championship tương tự như giải đua xe F1 và áp dụng luật tương tự. Mỗi chặng đua kéo dài khoảng 30 phút cộng với 2 vòng cờ xanh ở đua được đánh dấu tại địa điểm được chọn trước, thường là hồ, sông hoặc vịnh kín gió.
Tranh cãi…
Sau hơn 4 thập kỷ, Giải Vô địch thế giới F1H2O đã chứng kiến sự thay đổi và phát triển đáng kể. Những năm 70 và 80 chứng kiến nhiều nhà quảng bá và 2 tập đoàn khổng lồ của môn thể thao OMC và Mercury tranh giành quyền lực để thống lĩnh môn thể thao này.
OMC chào hàng gói động cơ V8 3,5 lít được gọi là loại OZ, Mercury thúc đẩy động cơ 2.0 lít của họ và được gọi là loại ON, sự chênh lệch về sức mạnh sớm dẫn đến tranh cãi và đấu đá nội bộ gay gắt giữa các đối thủ.
Sự chia rẽ xảy ra vào năm 1981, FONDA được thành lập và chọn động cơ hạng ON, trong khi OMC ủng hộ PRO ONE chạy động cơ OZ cho series. Cả 2 đều tuyên bố quyền sử dụng tên gọi World Championship, vụ tranh chấp được giải quyết bởi cơ quan quản lý môn thể thao này. UIM (Liên đoàn thuyền máy quốc tế) vào cuối năm đó phán quyết chiến thắng cho OZ.
Năm 1984 chứng kiến sự khởi đầu của một bước ngoặt khác, khi an toàn trở thành mối quan tâm lớn với việc phát triển động cơ và sức mạnh ngày càng tăng của động cơ V8, gây ra hậu quả bi thảm và báo hiệu sự sụp đổ dần dần của OZ trên phạm vi quốc tế, kết thúc vào năm 1986.
Cánh cửa đã mở ra cho FONDA World Grand Prix series để tái tạo lại chính mình. Từ năm 1987 đến năm 1989, không có UIM World Championship chính thức và không có đối thủ, UIM đã khôi phục vị thế World Championship và vào năm 1990, FONDA World Grand Prix Series trở thành UIM F1H2O World Championship, động cơ 2.0 lít của Mercury ưa thích vào thời điểm đó. Động cơ Mercury 2,5 lít xuất hiện vào năm 2000 và được sử dụng cho đến ngày nay.
Năm 1993, UIM bổ nhiệm Nicolo di San Germano làm Nhà quảng bá. Nhiệm kỳ 30 năm liên tục của ông đã mang lại sự ổn định, một hướng đi mới, sự an toàn được cải thiện và dấu ấn địa lý ngày càng mở rộng bao gồm châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và châu Á, đồng thời với việc mở rộng này, giá trị thương mại ngày càng tăng.
Và sự phát triển
Trong 4 thập kỷ, môn thể thao này đã diễn ra trên dưới 300 giải Grand Prix tại hơn 30 quốc gia trên khắp 5 châu lục, 15 tay đua đã giành được danh hiệu vô địch thế giới, 48 người trở thành thành viên của câu lạc bộ những người chiến thắng Grand Prix lừng danh.
Trong số 15 nhà vô địch thế giới, có 8 người giành được nhiều hơn 1 danh hiệu; Guido Cappellini của Italy giành chiến thắng nhiều nhất, với 10 lần, Alex Carella (Italy) và Scott Gillman (Mỹ) 4 lần, Philippe Chiappe (Pháp), Renato Molinari (Italy) và Shaun Torrente (Mỹ) cùng 3 lần, Sami Selio (Phần Lan), Jonathan Jones (Anh), Jonas Andersson (Thụy Điển) mỗi người 2 lần.
Trong khi những chiếc catamaran F1H2O ngày nay không khác nhiều về hình thức so với thời điểm những năm 1980, nhưng đã có rất nhiều sự khác biệt về khả năng bảo vệ người lái và an toàn chung.
Những chiếc thuyền đầu tiên được làm từ ván ép mỏng với người lái ngồi trong buồng lái hở, lộ thiên với nguy cơ bị thương cao trong trường hợp xảy ra tai nạn. Với sự an toàn được đặt lên hàng đầu trong việc phát triển thuyền, nhà thiết kế và tay đua người Anh – Chris Hodges đã đặt mục tiêu cải thiện tình hình và chế tạo một hộp an toàn được sản xuất từ vật liệu composite cực kỳ chắc chắn.
Thay vì buồng lái là một phần của cấu trúc chính, khoang của Hodges được tách biệt và lắp vào thân tàu cũng như phần trung tâm.
Lần đầu tiên các tay đua thực sự bị “trói” vào ghế của mình. Ý tưởng là nếu một chiếc thuyền gặp tai nạn, vỏ gỗ có thể vỡ ra và hấp thụ lực va chạm trong khi người lái vẫn được bảo vệ tốt bên trong hộp của mình.
Vào cuối những năm 1990, những bước phát triển tiếp theo chứng kiến sự ra đời của túi khí trong buồng lái có thể phồng lên khi va chạm để đảm bảo khoang điều khiển không bị chìm trước khi đội cứu hộ kịp đến.
Qua nhiều năm, việc đóng thuyền đã được phát triển và ngày nay rất ít tàu được đóng bằng gỗ mà được thay thế bằng vật liệu tổng hợp hiện đại.
Người hâm mộ thể thao Việt Nam sẽ được tận mắt chứng kiến những chiếc thuyền máy tranh tài tại Grand Prix Bình Định vào cuối tháng 3 này. Không chỉ vậy, chủ nhà Việt Nam còn có đội đua tham gia Giải Vô địch thế giới 2024 mang tên Team Bình Định – Việt Nam. Chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ thể thao – văn hóa – du lịch Amazing Bình Định Fest 2024, kéo dài từ 22 – 31.3, chủ yếu tập trung ở Vịnh Thị Nại, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31.3.1975 – 31.3.2024).
Vài thông tin về thuyền máy F1
Hình thức: Tấm đỡ đôi, catamaran thân đường hầm
Nhà sản xuất: BABA, Blaze, DAC, GTR, Molgaard, Moore, Victory
Vật liệt thân: Sợi carbon, Kevlar, sợi tổng hợp, airex & nomex
Chiều dài: 5,10 mét (tối thiểu)
Chiều rộng: 2,1 mét (tối thiểu)
Trọng lượng: 550kg (bao gồm nhiên liệu dư và dầu, người lái với thiết bị cá nhân), khoảng 380kg (không bao gồm người lái và động cơ)
Bình nhiên liệu: Cấu tạo từ carbon, dung tích khoảng 120 lít
Động cơ: Mercury hoặc động cơ phía ngoài tương đương 6 xi-lanh 2 thì
Dung tích động cơ: 2,5 lít đến tối đa 3 lít
Tay lái: Cáp có trợ lực điện tử, tỉ lệ mở theo sở thích của người lái
Gearbox: Truyền động trực tiếp tỉ lệ cố định
Cánh quạt: Như Gearbox có tỉ lệ cố định, đường kính từ 10,5 x 16 inch trở lên (tùy theo chiều dài đường đua). Hợp kim thép không gỉ rèn được gia công CNC
Mã lực: Khoảng 400, 10.000 vòng/ phút
Tốc độ tối đa: Trên 220 km/ h
Tăng tốc: 0-100 km/ h trong khoảng 3 giây
Điều khiển tàu: Hệ thống ram thủy lực điều khiển góc và độ cao động cơ được vận hành bằng dãy công tắc trên vô lăng, táp-lô và gác chân. Bàn đạp ga điều khiển công suất động cơ.
Laodong.vn