Bitcoin lập đỉnh giá mới, chứng khoán Mỹ trở lại mức kỷ lục và USD mạnh lên khiến tuần qua trở thành giai đoạn náo nhiệt của giới đầu tư.
Tuần này, chỉ số S&P 500 đã đạt mức cao kỷ lục lần thứ 17 trong năm, hôm 12/3, khi các nhà đầu tư phớt lờ mức tăng giá tiêu dùng cao hơn dự kiến và hoan nghênh sự hạ nhiệt ở một số danh mục như giá thực phẩm.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ bắt đầu hạ nhiệt vào giữa tuần do những lo ngại mới về lạm phát. Chỉ số giá sản xuất mới nhất được công bố ngày 14/3 cho thấy lạm phát bán buôn của Mỹ đã tăng 1,6% hồi tháng 2, mức tăng nhanh nhất trong nhiều tháng do giá năng lượng tăng đột biến.
“Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng đang đi chệch khỏi mục tiêu mà mọi người hy vọng hướng tới, đặc biệt là khi Fed có ý định rõ ràng là muốn thấy lạm phát hạ nhiệt”, Ken Tjonasam, chiến lược gia đầu tư tại Global X nhận xét.
Kết quả, khép phiên hôm thứ sáu (15/3), chỉ số Dow Jones giảm 191 điểm, tương đương 0,5% trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0,7% và 1%. Vì thế, cả ba chỉ số chính đều kết thúc tuần ở mức thấp hơn.
Tuần tới, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ phụ thuộc dữ liệu kinh tế và các sự kiện của công ty. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào 19/3. Giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng này và bắt đầu cắt giảm vào tháng 6 hoặc 7.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ bản tóm tắt dự báo kinh tế mới nhất. Bản phát hành sẽ chứa biểu đồ kỳ vọng lãi suất trong vài năm tới từ mỗi thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang. Phố Wall cũng sẽ phân tích một loạt dữ liệu mới về thị trường nhà ở, công bố bởi Cục điều tra dân số, Hiệp hội các nhà xây dựng nhà ở và Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản.
Một vài sự kiện lớn của doanh nghiệp cũng có triển vọng tạo tác động. Nvidia sẽ tổ chức hội nghị trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu dành cho các nhà phát triển từ ngày 18 đến ngày 21/3, với bài phát biểu quan trọng của CEO Jensen Huang. Cũng liên quan đến AI, Super Micro Computer sẽ được thêm vào chỉ số đo lường S&P 500 trước khi thị trường mở cửa đầu tuần tới. Cổ phiếu này đã tăng 276% năm nay.
Nhưng cổ phiếu Mỹ không phải là kênh đầu tư thăng hoa duy nhất tuần qua. Thị trường tiền số có một phen sôi động khi giá Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại là 73.750 USD hôm 14/3.
Theo Reuters, lý do phổ biến nhất được đưa ra cho đợt tăng giá của Bitcoin lần này là sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Mỹ vào tháng 1 đối với các quỹ ETF Bitcoin, cũng như kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất.
Nhưng đến cuối ngày 16/3, Bitcoin cũng hạ nhiệt nhanh, giảm khoảng 7,7% từ mức đỉnh. “Bitcoin có lịch sử biến động lớn sau khi đạt mức cao kỷ lục”, Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại City Index nói.
Joshua Chu, Giám đốc rủi ro tại công ty kỹ thuật tài chính Invess cho biết không giống như thị trường chứng khoán truyền thống, thị trường tiền số thiếu các quy định hạn chế tác động của các cá nhân hoặc tổ chức có ảnh hưởng với lượng nắm giữ tập trung. “Điều này cho phép cá voi thực hiện các giao dịch đáng kể, gây ra hiệu ứng xếp tầng và biến động giá nhanh chóng”, ông nói.
Tuy nhiên, giá Bitcoin vẫn cao hơn gần 60% so với đầu năm, được hỗ trợ bởi cơn sốt tiền số do dòng tiền chảy vào các sản phẩm tiền số giao dịch giao ngay tại Mỹ và các nhà giao dịch vẫn lạc quan về triển vọng lãi suất toàn cầu sẽ thấp hơn vào cuối năm.
Giá Bitcoin sắp tới dự kiến biến động theo đợt “halving” tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 4/2024. Diễn ra theo chu kỳ 4 năm một lần, “halving” là sự kiện khi số lượng Bitcoin được tạo ra mới thông qua quá trình đào bitcoin (mining) giảm đi một nửa, khiến nguồn cung khan hiếm hơn cho đến khi đạt tối đa 21 triệu Bitcoin. Hiện đã có 19 triệu Bitcoin được phát hành.
Trong giới tiền số, tác động của “halving” với giá Bitcoin trong tương lai cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Một số tin rằng sự khan hiếm sẽ khiến Bitcoin tăng giá, tuân theo quy luật nguồn cung của một mặt hàng càng thấp thì giá sẽ tăng khi nhu cầu không giảm hoặc tăng.
Số khác cho rằng mọi tác động từ sự khan hiếm do đợt “halving” sắp tới đều đã được tính vào giá hiện tại. Nguồn cung Bitcoin cho thị trường phần lớn cũng phụ thuộc vào các công ty khai thác tiền số. Nhưng lĩnh vực này không rõ ràng, với dữ liệu về hàng tồn kho là điều bí ẩn. Nếu các công ty khai thác bán lượng dự trữ của họ, điều đó có thể gây áp lực giảm giá.
Ngoài chứng khoán và Bitcoin, USD cũng có tuần mạnh mẽ. Dollar index – chỉ số theo dõi đồng bạc xanh với 6 đồng tiền lớn khác đạt 103,43, với mức tăng hàng tuần là 0,7%, lớn nhất kể từ giữa tháng 1. USD tăng do một loạt dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định, báo hiệu Fed có thể giữ nguyên lãi suất cao trong thời gian dài hơn hoặc giảm số lần cắt giảm lãi suất theo kế hoạch năm nay.
Eugene Epstein, Trưởng bộ phận đầu tư khu vực Bắc Mỹ tại Moneycorp cho rằng không có gì cho thấy Fed có đủ khả năng để trở nên ôn hòa vào thời điểm trước cuộc họp tuần sau. “Đó là lý do tại sao chúng ta thấy lãi suất trái phiếu kho bạc tăng lên và USD mạnh hơn”, chuyên gia nói.
Phiên An (theo Reuters, CNN)