Nam giới 20-34 tuổi, tinh hoàn ẩn hay có người thân trong gia đình từng mắc ung thư tinh hoàn thuộc nhóm nguy cơ cao.
Ung thư tinh hoàn ít gặp, chiếm khoảng 1% trong số các bệnh ung thư xảy ra ở nam giới. Bệnh có xu hướng chỉ ảnh hưởng đến nhóm nam giới trẻ tuổi. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), tại nước này năm 2020, khoảng 9.600 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh. Tại Anh, khoảng 2.300 nam giới bị ung thư tinh hoàn mỗi năm.
Không có xét nghiệm sàng lọc nên phát hiện bệnh phụ thuộc phần lớn vào các triệu chứng phổ biến như xuất hiện khối u ở tinh hoàn, cảm giác nặng ở bìu, đau tinh hoàn, mệt mỏi, đau lưng dưới, sụt cân không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp không có triệu chứng và chỉ được chẩn đoán khi khám sức khỏe sinh sản hoặc khám sức khỏe định kỳ.
Dưới đây là các yếu tố nguy cơ khiến nam giới gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tinh hoàn ẩn: Đây là tình trạng một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển từ bụng xuống bìu trước khi bé trai sinh ra. Theo ACS, khoảng 3% bé trai chào đời bị tinh hoàn ẩn.
Nam giới gặp tình trạng này có nguy cơ ung thư tinh hoàn cao gấp nhiều lần so với người bình thường. Nguy cơ tăng lên ở nam giới có tinh hoàn nằm trong bụng so với người có tinh hoàn đã di chuyển xuống dưới một phần.
Nam giới có dị tật này cần phẫu thuật để di chuyển tinh hoàn xuống bìu. Các chuyên gia khuyến cáo phẫu thuật nên thực hiện ngay sau khi trẻ được một tuổi để tránh ảnh hưởng đến sinh lý và khả năng sinh sản.
Gene di truyền: Người có cha hoặc anh em trai bị ung thư tinh hoàn nguy cơ mắc bệnh này cao hơn bình thường. Hội chứng di truyền Klinefelter, một tình trạng bất thường nhiễm sắc thể gây thiểu năng sinh dục và vô sinh ở nam giới, cũng có liên quan.
Tuổi tác: Khoảng một nửa số ca ung thư tinh hoàn xảy ra ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 34. Tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và đàn ông lớn tuổi.
Tiền sử ung thư một tinh hoàn: Khoảng 3-4% nam giới đã chữa khỏi ung thư ở một tinh hoàn bị tái phát bệnh ở bên còn lại.
Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn là khối u ở một và đôi khi cả hai bên. Khối u thường không gây đau, có thể di chuyển hoặc bất động, nhỏ hơn hạt đậu nhưng cũng có thể lớn hơn viên bi, cảm giác cứng như đá.
Nếu phát hiện khối u trên tinh hoàn, nam giới nên sớm đi khám bác sĩ Nam khoa để được chẩn đoán chính xác. Theo ACS, nếu được điều trị kịp thời, ung thư tinh hoàn giai đoạn một có tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 99%, với giai đoạn 3 là 74%.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)