(TN&MT) – Tại Quảng Ngãi, tính từ đầu năm đến nay không có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Sau những nỗ lực của chính quyền địa phương, ngư dân đã chấm dứt tình trạng đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển.
Chấm dứt tình trạng khai thác hải sản trái phép
Tại Quảng Ngãi, ngư dân làng Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Bình Sơn nổi tiếng cả nước với số lượng tàu cá, lao động hành nghề lặn bắt hải sâm, đồi mồi…tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam).
Giai đoạn trước năm 2017, xã Bình Châu từng “dẫn đầu” cả nước về số lượng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Đáng chú ý, phần lớn tàu vi phạm lãnh hải nước ngoài đều hành nghề lặn. Trước tình trạng gia tăng, năm 2017, Bộ NN&PTNT đã về địa phương để làm việc với chính quyền và ngư dân nhằm tìm ra giải pháp chống khai thác IUU.
Sau khi lắng nghe tâm tư của ngư dân và các cấp chính quyền xã Bình Châu, đặc biệt là các ngư dân từng bị bắt giữ vì vi phạm vùng biển nước ngoài, rất nhiều giải pháp được triển khai để chống khai thác IUU. Từ đó, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản của ngư dân dần có những chuyển biến tích cực, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã bắt đầu giảm.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết: Năm 2017, xã Bình Châu có đến 13 tàu cá bị bắt giữ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên đến nay, tình trạng hầu như đã được chấm dứt. “Từ đầu tháng 3/2018, hàng trăm chủ tàu cá xã Bình Châu ký cam kết chấm dứt tình trạng vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài. Nhiều tàu cá đã chuyển từ nghề lặn sang các hình thức khai thác thân thiện với môi trường hơn”, ông Hùng cho hay.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trong tháng 11, cơ quan chức năng Quảng Ngãi xử phạt vi phạm hành chính một trường hợp/1 phương tiện/15.000.000 đồng; từ đầu năm đến nay đã xử phạt vi phạm hành chính 44 trường hợp/43 phương tiện/694.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 42. Tính từ đầu năm đến nay không có tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ.
Hướng đến khai thác bền vững
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.500 tàu thuyền hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản trên biển, có nhiều đóng góp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những năm qua, địa phương phát triển tàu cá ồ ạt, khai thác quá mức, trong khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dẫn đến thu nhập của ngư dân giảm sút. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ngãi đang tái cơ cấu nghề cá theo hướng phát triển bền vững đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, địa phương giảm ngành nghề khai thác không thân thiện với môi trường, sử dụng ngư cụ mang tính hủy diệt, khuyến khích ngư dân đầu tư thiết bị hiện đại đánh bắt xa bờ và chú trọng quy hoạch phát triển nuôi thủy sản biển.
Song song với công tác vận động ngư dân tuân thủ các quy định chấm dứt tình trạng vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, tỉnh Quảng Ngãi cũng tích cực tuyên truyền ngư dân bảo vệ môi trường biển.
Mới đây, tại Quảng Ngãi đã diễn ra sự kiện “Tấm lưới xanh – Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới”. Hoạt động nhằm lan toả thông điệp mỗi ngư dân ra khơi bám biển sẽ cùng cộng đồng và các gia đình ngư dân ven biển cùng tích cực hành động thu gom rác thải nhựa, rác thải tái sử dụng, tái chế trong hành trình đi biển để biển Việt Nam ngày càng trong xanh, sạch rác.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm với đường bờ biển trải dài gần 130 km, 6 huyện ven biển có truyền thống kinh doanh và ngư trường nghề cá với hàng ngàn ngư dân đang ngày đêm ra khơi bám biển, đánh bắt thủy sản, tham gia bảo vệ biển đảo quê hương.
“Mong rằng người dân địa phương sẽ có sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động trong việc bảo vệ môi trường. Sau mỗi chuyến đi biển, các ngư dân dần hình thành thói quen thu gom rác nhựa đem về bờ giao cho phụ nữ thu gom, bán phế liệu đóng góp xây dựng quỹ Tấm lưới xanh. Số lượng các chủ tàu cá, thuyền viên tham gia thực hiện thu gom rác từ biển vào bờ sẽ ngày càng tăng và lan tỏa nhiều hơn đến tất cả người dân làng biển. Ngoài ra, để hạn chế túi nilon, bà con cần lựa chọn tận dụng túi lưới để đựng đồ hoặc sử dụng mỗi khi đi chợ.”- ông Trần Phước Hiền kêu gọi.