Sinh tố thanh long, rau chân vịt giúp dễ tiêu hóa, cung cấp chất xơ làm giảm viêm và hỗ trợ phục hồi hệ vi sinh vật đường ruột.
Theo Tổ chức Crohn và Viêm Đại tràng Mỹ, bệnh viêm ruột có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như chuột rút ở bụng, tiêu chảy, đau bụng và mệt mỏi. Nhiều người mắc bệnh này khó ăn uống dẫn đến thiếu dinh dưỡng, chán ăn và giảm cân.
Sinh tố là một trong những món ăn giúp giảm triệu chứng, chống lại chán ăn và không gây kích ứng ruột của người bệnh. Sinh tố lỏng và mềm dễ tiêu hóa, cung cấp cho cơ thể chất dinh dưỡng và calo cần thiết. Người bệnh có thể dùng sinh tố cho bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ, điều chỉnh thành phần phù hợp với nhu cầu và khẩu vị từng người.
Xay nhuyễn thực phẩm cũng giống như quá trình phân hủy thức ăn trong ruột. Uống sinh tố giúp hệ tiêu hóa làm việc ít hơn so với tiêu thụ thức ăn thô, cứng. Chất xơ có trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt còn có lợi cho người bệnh viêm ruột.
Theo đánh giá năm 2022 của Đại học Kansas, Mỹ, dựa vào 100 nghiên cứu, trên hơn 425.000 người, chế độ ăn giàu chất xơ giúp người bệnh viêm ruột giảm tình trạng viêm, điều chỉnh phản ứng miễn dịch, phục hồi hệ vi sinh vật đường ruột.
Ăn nhiều chất xơ cũng giúp người bệnh giảm rối loạn tiêu hóa do chúng hỗ trợ cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột. Chế độ ăn nhiều chất xơ còn giảm khả năng mắc bệnh ung thư đại trực tràng.
Dưới đây là gợi ý một số công thức sinh tố tốt cho người bệnh viêm ruột.
Sinh tố rau chân vịt (bina) chứa vitamin C làm giảm viêm, kali – chất điện giải giúp cân bằng chất lỏng và chất béo lành mạnh. Nguyên liệu gồm hai chén rau chân vịt non, một cốc (240 ml) sữa hạnh nhân vani không đường, 3/4 cốc (180 ml) sữa chua nguyên chất, một cốc dứa (125 g), một quả chuối, 1/4 quả bơ tươi, một muỗng canh hạt lanh xay.
Sinh tố thanh long cung cấp chất xơ và vitamin C. Nguyên liệu gồm 100 g thanh long, 240 ml nước cốt dừa không đường, 125 g dứa, 180 ml sữa chua ít béo.
Sinh tố củ cải đường và gừng giúp làm dịu các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn. Nguyên liệu gồm một củ cải đường nhỏ, gọt vỏ và cắt khối; một muỗng canh gừng tươi bào sợi hoặc hai muỗng cà phê gừng xay, 125 g dứa, 125 quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi), 240 ml sữa hạnh nhân vani không đường, 180 ml sữa chua ít béo, một chén rau bina hoặc cải xoăn, một muỗng canh hạt chia.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |