Ông Trần Bá Dương: Quảng Nam trở thành trung tâm logistics là rất khả thi
Với việc tập trung đầu tư sớm vào hạ tầng, đặc biệt, cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO tin tưởng rằng, Quảng Nam sẽ trở thành trung tâm logistics.
Quảng Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics. |
Tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) cho biết, thời gian quan, chúng tôi đã phát triển đầu tư sản xuất về lắp ráp ô tô, phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỉ trọng đầu vào và phát triển logistics.
“Trong giai đoạn này THACO đạt được kết quả đó là hình thành được vai trò, vị trí của một doanh nghiệp động lực của tỉnh Quảng Nam. Cùng với sự phát triển này, chúng tôi hướng tới làm sao để đảm bảo được tính đầu tư và phát triển của THACO, Quảng Nam, tiếp tục phát triển một cách bền vững”, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh.
Ông Trần Bá Dương cho rằng, THACO đã đầu tư cảng, đầu tư hệ thống nhưng giá thành logistics vẫn cao hơn ở 2 đầu đất nước là 20%. Để xử lý khó khăn này THACO đã nhập hàng là các linh kiện để sản xuất lắp ráp rồi xuất khẩu, nhưng vẫn đang thiếu hàng.
Chúng tôi nhận ra rằng tại Quảng Nam chúng ta, mặc dù logistics chúng tôi đã đầu tư cảng, đầu tư hệ thống, nhưng mà giá thành logistics tại đây vẫn cao hơn tại hai đầu đất nước là 20%. Và điểm mấu chốt phải xử lý cái này thì chúng tôi đã có hàng nhập là các hàng linh kiện để sản xuất lắp ráp rồi xuất khẩu. Nhưng mà chúng tôi vẫn đang thiếu hàng xuất. Như vậy thì với một cơ duyên thì chúng tôi đã phát triển sản xuất trồng trọt nông nghiệp quy mô lớn tại Lào, Campuchia và cao nguyên thông qua việc mua lại công ty Hoàng Anh Gia Lai. Đến nay thì chúng tôi đã hình thành được mô hình sản xuất là trồng các loại cây ăn trái nhiệt đới (xoài, bưởi, sầu riêng) và đặc biệt là cây chuối, cây dứa chuyên canh với cái nền tảng hữu cơ rồi sản xuất lớn, ứng dụng cơ giới hóa và quản lý công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị. Với sự phát triển của nông nghiệp thì cuối năm nay chúng tôi có khoảng 1.000 tấn/ ngày hàng tươi để xuất và sang năm thì khoảng 2.000 tấn trái cây tươi mỗi ngày. Và như vậy là một ngày trung bình là chúng tôi có từ 100 – 200 con’t xuất khẩu.
Ông Trần Bá Dương phát biểu tại hội nghị. |
“Đối với ngành logistics thì chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu theo quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, sẽ quyết tâm tham gia để tham gia đấu thầu dự án Cửa Lở. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống giao thông đường bộ chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu đầu tư đường theo hình thức BOT để tập trung cho chuyến vận chuyển từ Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên về Chu Lai, như vậy tính hiện thực của quy hoạch được công bố ngày hôm nay.
Chúng ta được đầu tư vào hạ tầng sớm, cùng với tàu hàng lớn vào được thì sẽ giải quyết được chi phí logistics. Khi chi phí logistics thấp thì các nhà đầu tư khác họ sẽ đến với miền Trung nói chung và đến Quảng Nam nói riêng”, ông Trần Bá Dương phân tích.
Theo ông Trần Bá Dương, về lĩnh vực ô tô, THACO vẫn đang phát triển và dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 38%. Đối với cơ khí công nghiệp hỗ trợ thì đến nay đã có 1 tổ hợp cơ khí gia công chế tạo, 22 nhà máy về công nghiệp hỗ trợ.
Đối với Trung tâm công nghiệp về dược liệu và công nghiệp chế biến nông nghiệp, với diện tích 85.000 ha về sản xuất nông nghiệp.
Về lĩnh vực này, ông Trần Bá Dương chia sẻ, để hình thành trung tâm dược liệu không chỉ nhìn vào sâm Ngọc Linh, quế mà chúng ta nhìn một nguồn đất trồng dược liệu rất lớn và tham gia chuỗi giá trị để sản xuất.
“Với công bố quy hoạch ngày hôm nay thì chúng tôi nhận thấy vai trò tiếp tục phát triển theo quy hoạch là công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo hỗ trợ, sản xuất công nghiệp, dược liệu và nông lâm nghiệp, đặc biệt, trở thành trung tâm logistics hàng hóa tại Quảng Nam, miền Trung là rất khả thi.
Tôi sẽ quyết tâm thực hiện chương trình này và trong kế hoạch của chúng tôi giai đoạn 2022 – 2027 sẽ hình thành sớm mục tiêu của tỉnh đề ra với các ngành”, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt. Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp tỉnh Quảng Nam có một số nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại, chuyên môn hóa cao, có thương hiệu quốc tế, phát triển ổn định và bền vững; Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực của vùng và quốc gia….
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Quảng Nam cũng đã để ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, đối với ngành công nghiệp cơ khí, ô tô và công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô: Khuyến khích thu hút đầu tư các nhà máy cơ khí chế tạo, dự án công nghiệp cơ khí liên hợp chế tạo và lắp ráp tổng thành sản phẩm các loại máy móc có nhu cầu lớn ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí như sản xuất linh kiện, phụ tùng cung ứng cho các nhà máy sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh như động cơ điện tiết kiệm năng lượng, máy xây dựng, máy nông nghiệp, phương tiện vận tải.
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch 316-KH/TU ngày 17/6/2020 thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Giai đoạn đến năm 2030, ngành công nghiệp dệt may và hỗ trợ dệt may vẫn tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Nam vì vậy cần được tiếp duy trì phát triển.
Công nghiệp chế biến nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Quảng Nam chú trọng và hướng tới phát triển ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp toàn diện, công nghệ cao từ khâu nghiên cứu và lai tạo giống tốt; nuôi trồng, đánh bắt đến sơ chế, chế biến và đóng gói, dán nhãn sản phẩm.
Giai đoạn 2021 – 2030, các giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp công nghệ cao bao gồm, phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam; Đẩy mạnh nghiên cứu nhằm thay đổi cơ cấu và quy trình sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra nguồn nguyên liệu nông sản thích hợp cho công nghiệp chế biến…