(Dân trí) – Ông Billy Kelly là một cựu binh từng đóng quân tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) những năm 1968-1969. Vụ thảm sát Sơn Mỹ đã ám ảnh cả phần đời còn lại của người cựu binh này.
Sáng 16/3, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 56 năm ngày 504 người dân vô tội bị lính Mỹ sát hại (16/3/1968 – 16/3/2023). Buổi lễ được tổ chức tại khu chứng tích Sơn Mỹ.
Lãnh đạo tỉnh, thành phố Quảng Ngãi cùng người dân xã Tịnh Khê và nhiều bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp nơi đến tham dự lễ tưởng niệm.
Tái hiện hình ảnh người dân Sơn Mỹ vào buổi sáng trước khi xảy ra vụ thảm sát.
Bức ảnh do ông Ronald L.Haeberle từng tham chiến tại Việt Nam ghi lại cảnh người dân Sơn Mỹ bị lính Mỹ sát hại, nằm trên đường làng, ngày 16/3/1968.
Cách đây 56 năm, chỉ trong một buổi sáng, lính Mỹ ập vào thôn Mỹ Lai, thuộc làng Sơn Mỹ, thảm sát hàng loạt thường dân. Vụ thảm sát khiến 504 người dân vô tội thiệt mạng, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 người già.
Lễ tưởng niệm cũng là dịp để các cựu binh Mỹ tìm về để đối diện với sự thật, đối diện với những mất mát mà bom đạn đã gây ra cho người dân Sơn Mỹ.
Trong ảnh là cựu binh Mỹ Mike Boehm mặc áo dài, đội khăn đóng, dâng hương trước tượng đài Sơn Mỹ.
Ông Billy Kelly là một cựu binh từng đóng quân tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vào những năm 1968-1969. Vụ thảm sát Sơn Mỹ đã ám ảnh cả phần đời còn lại của người cựu binh này. Sau đó, ông Billy Kelly thường xuyên đến Việt Nam và dự lễ tưởng niệm 504 thường dân Sơn Mỹ.
Những năm qua, vì lý do sức khỏe, ông Billy Kelly không thể sang Việt Nam dự lễ tưởng niệm. Thay vào đó, ông Billy Kelly gửi đến 504 bông hồng tưởng niệm những thường dân vô tội đã mất trong vụ thảm sát.
Trong tấm thiệp gửi cùng, ông Billy Kelly viết: “Never forget” (Không bao giờ quên).
Khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng ngay tại nơi đã diễn ra vụ thảm sát. Nơi đây là khu chứng tích hiện trường, trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân.
Ông Nguyễn Trị (84 tuổi) thăm khu chứng tích vụ thảm sát Sơn Mỹ. Gia đình ông Trị có 3 người bị lính Mỹ sát hại. Năm đó, ông Trị cùng vợ và con nhỏ trốn dưới căn hầm bí mật nên may mắn thoát chết.
“Người chết khắp đường làng, nhà bị đốt, trâu bò bị giết. Tôi và vợ con trốn dưới hầm nên may mắn sống sót. Đó là một ký ức kinh hoàng”, ông Trị chia sẻ.
Bức phù điêu tưởng niệm những nạn nhân là phụ nữ, trẻ em trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Bức phù điêu dài 10m, cao 1m.
Bức phù điêu được Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam xây dựng vào năm 1988, nhân dịp lễ tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Khu chứng tích đang trưng bày bộ ảnh do cựu binh Ronald L.Haeberle từng tham chiến tại Việt Nam ghi lại cuộc thảm sát kinh hoàng.
Những hình ảnh này đã được ông Ronald L.Haeberle công bố trên Tạp chí Life (Mỹ) vào năm 1969, gây chấn động thế giới thời điểm đó.
Quốc Triều – Dantri.com.vn