Nằm trong chương trình Lễ hội Đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2023, các nghệ nhân chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình) đã có màn trình diễn những kỹ thuật chạm bạc độc đáo của địa phương cho khách thập phương tới lễ hội chiêm ngưỡng.
Clip thầy trò nghệ nhân làng nghề chạm bạc Đồng Xâm – Thái Bình khiến du khách trầm trồ:
Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Đây được ví là nơi gìn giữ tất cả những tinh hoa của nghề chạm bạc. Sản phẩm chạm bạc của làng Đồng Xâm nhờ thế nổi tiếng bởi sự tinh xảo, thể hiện tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân.
Theo nghệ nhân Đinh Quang Thắng (thôn Nam Hòa, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nghề chạm bạc chia ra 3 phương thức chế tác chính, là chạm, đậu và trơn. Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm chuyên về chạm, đây là phương thức phức tạp bởi nó đòi hỏi sự tập trung cao, chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ làm hỏng toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, để có được những sản phẩm tinh xảo trong từng đường nét, hoa văn thì đòi hỏi các nghệ nhân phải đạt tới trình độ điêu luyện.
“Để làm ra một sản phẩm chạm bạc hoàn chỉnh, cần tới 10 công đoạn khác nhau. Trong đó quan trọng nhất là các công đoạn: Trơn (cắt xẻ nguyên liệu, đấu là hàn các chi tiết), đậu (chạm những họa tiết hoa văn) và chạm (kỹ thuật quyết định sự tinh xảo hay không của sản phẩm)” – ông Thắng đúc kết.
Dù đã có máy móc hiện đại đỡ được phần nào nhưng nghề chạm bạc ở làng Đồng Xâm vẫn có những công đoạn nhất định phải do con người thực hiện. Bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật và đôi mắt thẩm mỹ, đặc biệt là những bí quyết riêng chỉ người làng Đồng Xâm mới làm được. Nhờ cầu kỳ như vậy nên những người thợ Đồng Xâm đã tạo ra các sản phẩm chạm bạc chất lượng khiến thương hiệu của làng nổi tiếng khắp nơi.
Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với các nơi khác ở kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng – tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.
Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện, tinh tế và hoàn hảo tới mức tối đa. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Ðồng Xâm có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng. Nhờ vậy, sản phẩm Đồng Xâm không chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khó tính mà cả những người am tường nghệ thuật.
Ông Thắng chia sẻ, sản phẩm của Đồng Xâm bao gồm 3 loại: Đồ thờ cúng, mỹ nghệ và trang sức. Trong đó, đồ trang sức gồm rất nhiều loại như: dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh, thánh giá… bằng bạc. Đồ thờ cúng gồm các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai, mũ thờ, long lân quy phụng…
“Công việc này không thể vội vàng cũng không phải ai cũng có thể làm được. Nó đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, đặc biệt phải có năng khiếu và yêu nghề mới có thể theo nghề” – ông Thắng chia sẻ.
Lễ hội Đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm nay nhằm tôn vinh các vị tổ nghề, nghệ nhân các phố nghề – làng nghề truyền thống. Đây là cơ hội để kết nối các nghệ nhân làng nghề kim hoàn quanh đất kinh kỳ đồng thời lưu giữ những giá trị văn hóa làng xã của khu Kẻ Chợ xưa.
Lễ hội Đình Kim Ngân là dấu ấn văn hóa sinh động, có ý nghĩa thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đặc biệt, bên cạnh các cá nhân, đơn vị làm nghề kim hoàn trên địa bàn quận, còn có sự tham gia của các nghệ nhân phường nghề bạn ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác như: Nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình); nghề đậu bạc Định Công, nghề dát vàng bạc Kiêu Kỵ, nghề đúc đồng Ngũ Xá; nghề kim hoàn Châu Khê (Hải Dương); nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh)…
Tại lễ hội năm nay, Ban tổ chức còn tổ chức tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội” ngày 25/4 để các nghệ nhân làng nghề, phố nghề giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công tác phát triển nghề tại địa phương.
Đây cũng là dịp giới thiệu các sản phẩm và quảng bá các giá trị di sản làng nghề gắn với phố nghề, nhằm thu hút khách du lịch.
Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn sẽ diễn ra đến hết ngày 7/5.
Nghệ nhân Đinh Quang Thắng, sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Thái Bình), gia đình ông Thắng đã có ba đời làm nghề và đến ông là đời thứ tư. Từ thuở nhỏ, ông đã theo ông nội và bố để học nghề. Sau khoảng thời gian tham gia thanh niên xung phong rồi đi nghĩa vụ quân sự, ông Thắng lại trở về làng tiếp tục giữ “lửa nghề” của cha ông cho đến ngày hôm nay.
Với những đồ chạm khắc thủ công mỹ nghệ tinh xảo trên chất liệu bạc, đồng, thậm chí cả vàng, tại Việt Nam ông Thắng được coi là một trong những nghệ nhân đứng đầu bảng.