Trần Lực buồn vì bố – nghệ sĩ chèo Trần Bảng – ốm nặng, qua đời trước khi anh nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Đạo diễn nói về cuộc sống, công việc, tình cảm với cha, dịp nhận danh hiệu của Nhà nước ở tuổi 61.
– Cảm xúc của anh khi được vinh danh hôm 6/3?
– Trong triết lý làm nghề, tôi không lao động để hướng đến giải thưởng, chỉ mong tạo những tác phẩm hay, đậm nét Trần Lực. Tôi từng được khán giả bình chọn nhiều giải, nhưng nay mới có danh hiệu cao nhất của Nhà nước. Đây là chứng nhận do những người có chuyên môn đánh giá, trao cho nghệ sĩ tài năng thực thụ, được xã hội công nhận, có sức ảnh hưởng nhất định. Tôi chỉ tiếc bố – Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng – đã mất hơn nửa năm trước, không thể cùng tôi san sẻ niềm vui. Tôi muốn tặng danh hiệu cho ông, người luôn khuyến khích, động viên tôi.
– Thời gian qua anh vượt nỗi đau mất người thân thế nào?
– Tôi có hai thời điểm kỳ lạ trong đời, đó là khi bố và mẹ mất. Năm 2016, lúc sân khấu tư nhân của tôi mới đi vào hoạt động, cả nhà háo hức hẹn nhau đi xem vở Quẫn, chưa kịp thì mẹ ra đi.
Bố cũng mất khi tôi sắp diễn vở mới hai ngày, lòng dạ rối bời, lại bận lo hậu sự. Nhưng chúng tôi bán một phần vé, thuê địa điểm, buộc phải tôn trọng những người đến xem. Tôi đóng vai phụ, khi chuẩn bị lên sân khấu, thấy sức lực như bị rút cạn, không thể diễn nổi. Tôi ngồi tĩnh tâm nhìn xuống khán phòng, chợt cảm giác như bố đang ngồi đâu đó. Suy nghĩ ấy tiếp thêm động lực cho tôi. Cuối buổi, khi màn nhung khép lại, tôi ngồi rũ ra ở một góc, khóc rưng rức. Bố mẹ tôi đều sống thọ, bà 83, còn ông 97 tuổi. Nhưng với con cái, dù cha mẹ qua đời ở tuổi nào vẫn là nỗi đau khôn nguôi. Đến giờ, tôi vẫn hụt hẫng, chông chênh vì mồ côi bố.
– Anh nhớ kỷ niệm gì với bố lúc ông còn sống?
– Khi trưởng thành, tôi chỉ có ước mơ mua được một căn nhà rộng rãi, đón bố mẹ về ở chung, hơn mười năm trước đã thực hiện được. Nhưng bố mẹ tôi lại rất hiện đại, sống tự lập, thích ở riêng. Nhân lúc con đi công tác ở TP HCM, ông bà lén dọn về nhà cũ. Sau khi bà qua đời, bố sống cùng tôi.
Thói quen mỗi ngày của tôi trước khi ra khỏi nhà và trở về là đến thăm hỏi, trò chuyện cùng ông. Bố tôi có phương châm “Sống là phải khỏe, minh mẫn”, nên rất chịu khó tập thể dục. Mỗi sáng, ông thường dậy lúc 4h30, vận động khoảng một tiếng. Nhiều hôm, tôi không nghe thấy tiếng nhạc, hốt hoảng choàng tỉnh dậy, hỏi thì biết cụ ốm. Ở nhà, tôi lắp một chiếc chuông đề phòng khẩn cấp, nhưng ông không bao giờ bấm vì sợ làm phiền con.
Trước khi mất mấy tháng, bố than phiền mắt mờ, dùng kính lúp cũng không thể đọc được sách. Ông rất bứt rứt vì là người ham học, ham đọc. Thấy ông khó chịu, tôi nói “Con sẽ đọc cho bố”, sau đó ghi âm lại. Tôi thương bố trước khi mất chịu nhiều đau đớn, do ngã trẹo xương. Ông phẫu thuật thành công nhưng sau đó lại nhiễm vi khuẩn bệnh viện, bị viêm phổi.
– Bố ảnh hưởng thế nào đến anh trong công việc và cuộc sống?
– Sinh ra trong gia đình sân khấu, máu nghệ thuật ngấm vào tôi. Tôi là con út, từ nhỏ đã lẽo đẽo theo bố mẹ đi tập, đi diễn. Nhà tôi lại ở khu Mai Dịch, bên này là cải lương, bên kia là tuồng, chèo, dân ca. Lũ trẻ con xem các cô chú diễn, sau đó lại ra sân bẻ bẹ dừa bắt chước.
Khi tôi mới nói với bố mẹ về sân khấu Lực Team, ông bà rất hào hứng, bởi nó gần với nghệ thuật chèo của hai cụ. Đó là một cuộc cách mạng, thay đổi lối diễn tả thật, hướng đến không gian, thời gian và cách biểu hiện ước lệ. Bố không thể đi ra ngoài nên mỗi khi dựng vở mới, tôi thường quay về cho ông xem. Năm ngoái, khi xem trích đoạn vở Búp bê, ông rất thích, giơ ngón tay khen: “Mày là số một”.
Thời Covid-19, hai bố con ở nhà với nhau, tôi và bố thường bàn luận về sân khấu. Ông có một số sách viết về kỹ thuật biểu diễn chèo, đoạn nào không hiểu, tôi lại hỏi ý kiến bố.
– Trong hàng chục vai điện ảnh lẫn truyền hình, những vai diễn nào để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất?
– Tôi trân trọng mọi nhân vật, có chăng là ấn tượng hơn ở kỷ niệm làm nghề. 20 tuổi, tôi có vai chính đầu tiên trong Sẽ đến một tình yêu (đạo diễn Phạm Văn Khoa), sau đó ra nước ngoài học tám năm. Năm 1991, tôi về nước, rất nghèo nhưng chưa bao giờ quan tâm cát-xê, phấn khích khi được làm việc ngày đêm. Thời điểm đó, các đạo diễn chủ yếu làm phim đề tài hậu chiến, về hình tượng người lính trong cuộc sống đời thường. Tôi đóng bộ đội nhiều đến nỗi từng có nhà báo viết về mình: “Phim có vợ thì vợ bỏ, có người yêu thì đi lấy chồng, 10 phim thì bốn phim ngồi bàn thờ”. Các nhân vật của tôi nam tính, bình dị, sống trong giằng xé tình yêu. Cái khó của tôi là làm sao để mỗi ông bộ đội lại có nét khác biệt, vậy mới có thể “đốn tim” khán giả.
Trong Đời hát rong, tôi đóng một anh lính mù, diễn cùng Thu Hà. Ở cảnh mưu sinh ngoài chợ, tôi chơi guitar, Thu Hà kéo loa hát. Vì không có diễn viên quần chúng, các đạo diễn giấu máy quay, để diễn viên hát, bán vé số thật. Nhiều người còn khóc thương vì “đôi này đẹp quá mà khổ”. Đến lúc diễn xong, chúng tôi vội trả lại vé số đã bán, mọi người mới ngã ngửa. Với phim Chuyện tình bên dòng sông, tôi nhớ kỷ niệm đóng cặp Lê Khanh. Trong cảnh vợ chồng xích mích, sau năm lần không đạt, tôi xin phép tát thật. Khanh bất ngờ vì quá đau nên cầm âu nước định ném lại. Tôi tránh được, xông vào đánh thêm. Tình huống hoàn toàn không có trong kịch bản.
– Anh còn điều gì đau đáu với nghề?
– Tôi sống hồn nhiên, lạc quan, từng có lúc làm phim thua lỗ hàng tỷ đồng nhưng chưa bao giờ đau khổ, dằn vặt. Thời điểm năm 2006 đến năm 2013, tôi bỗng nhiên thấy chán vì phim truyền hình do mình sản xuất đều quanh quẩn chuyện tâm lý tình cảm, phục vụ các bà nội trợ. Thế là dù đã đầu tư viết kịch bản, xin duyệt một bộ mới, tôi vẫn dừng lại, quyết định vào trường Sân khấu Điện ảnh giảng dạy.
Sân khấu Lực Team và lối biểu hiện ước lệ là đích đến của tôi. Tất nhiên, tôi có buồn lòng vì khán giả miền Bắc giờ mai một thói quen thưởng thức kịch, nhưng điều đó không khiến tôi chùn bước, muốn tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa.
Tôi cũng gặp khó khăn vì trong ba năm dịch, mọi thứ mới xây dựng lại đổ vỡ. Khi trở lại, tôi phải xây dựng êkíp từ đầu, nhưng đó cũng là một cách làm mới lại mình.
Hà Thu