Cảnh sát Zimbabwe hôm 14/3 cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông tự xưng là nhà tiên tri của một giáo phái tông đồ. Khám xét nơi ở của kẻ này, nhà chức trách giải cứu 250 trẻ em được cho là đang bị lạm dụng làm lao động giá rẻ cho giáo phái.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên cảnh sát Paul Nyathi cho biết, Ishmael Chokurongerwa, 56 tuổi, “nhà tiên tri” tự phong lãnh đạo một giáo phái với hơn 1.000 thành viên, đã bị bắt cùng với 7 trợ lý tại một trang trại cách thủ đô Harare khoảng 34 km về phía tây bắc.
Theo ông Nyathi, cảnh sát nghi ngờ rằng những đứa trẻ “đã được sử dụng để thực hiện nhiều hoạt động thể chất khác nhau vì lợi ích của lãnh đạo giáo phái”. Trong số 251 trẻ em, có 246 bé không có giấy khai sinh.
“Cảnh sát xác định rằng tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều không được học hành chính quy và bị lạm dụng như lao động giá rẻ, làm công việc chân tay dưới danh nghĩa được dạy các kỹ năng sống”, ông Nyathi nói trong cuộc họp báo.
Cảnh sát Zimbabwe cũng tìm thấy 16 ngôi mộ vô danh tại trang trại, với 7 ngôi trong đó có thi thể của 7 trẻ sơ sinh không được đăng ký chôn cất với chính quyền.
Tờ H-Metro của Zimbabwe là cơ quan truyền thông duy nhất được cho phép tham gia cùng cảnh sát trong cuộc đột kích vào trang trại của “nhà tiên tri” Chokurongerwa. Tờ báo này cho hay, các tín đồ tại đây đã bị “tẩy não” đến mê muội.
Theo đó, một số nữ tín đồ thậm chí còn giằng co với cảnh sát để đòi lại những đứa trẻ bị khi chúng được đưa lên xe buýt để giải thoát khỏi cảnh lạm dụng. “Tại sao họ lại bắt con của chúng tôi? Chúng tôi cảm thấy thoải mái ở đây. Chúng tôi không có vấn đề gì ở đây”, một người phụ nữ hét lên trong đoạn video đăng trên tài khoản X của tờ H-Metro.
Các nhóm tông đồ truyền niềm tin truyền thống vào học thuyết Ngũ Tuần rất phổ biến ở Zimbabwe – một quốc gia có nền tảng tôn giáo sâu sắc.
Có rất ít nghiên cứu chi tiết về các nhà thờ tông đồ ở Zimbabwe, nhưng các nghiên cứu của UNICEF ước tính đây là giáo phái lớn nhất ở quốc gia có 15 triệu dân này, với khoảng 2,5 triệu tín đồ.
Nhiều nhóm tông đồ tại Zimbabwe tuân thủ một học thuyết yêu cầu những người theo đạo tránh việc giáo dục chính quy cho con cái họ cũng như thuốc men và chăm sóc y tế cho các thành viên, những người thay vào đó phải tìm cách chữa lành thông qua đức tin vào lời cầu nguyện, nước thánh và đá xức.
Nguyễn Khánh (theo Guardian, Independent)