Nhà báo Song Hà – Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị – Xã hội báo Nhân dân điều hành thảo luận.
Không kiểm soát tốt, mạng xã hội có thể là một “con dao hai lưỡi”
Tham gia phiên thảo luận, ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có tham luận về “sức hấp dẫn của truyền thông chính sách”.
Ông Nguyễn Hồng Sâm cho biết, mạng xã hội đã trở nên quen thuộc, mỗi cá nhân đều có một hay thậm chí vài tài khoản mạng xã hội. Do đó, việc thiết lập fanpage Thông tin Chính phủ được Thường vụ Chính phủ cho phép thiết lập trên các nền tảng mạng xã hội là Facebook, Twitter và Youtube. “Trang fanpage Thông tin Chính phủ được lập tới tiêu chí đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, có trọng tâm trọng điểm đến với người dân và bạn đọc”, ông Sâm nhấn mạnh.
Về thành tựu, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, hiện tại thông tin quan trọng của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thể được truyền tải tới 15-17 triệu người dùng mạng xã hội ngay lập tức. Meta, chủ sở hữu của Facebook cũng đánh giá fanpage Thông tin Chính phủ là fanpage có uy tín tại Việt Nam.
“Thực tế Việt Nam cũng là 1 quốc gia dùng mạng xã hội Facebook nhiều nhất với 66 triệu tài khoản. Trong thời điểm dịch Covid-19, Fanpage Thông tin Chính phủ hoạt động rất hiệu quả. Các thông tin quan trọng có thể truyền tải ngay lập tức đến 80% người dùng Facebook Việt Nam. Hiện tại Thông tin Chính phủ đã dùng toàn bộ các nền tảng mạng xã hội quan trọng để truyền tải thông điệp tới người dùng Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Sâm thông tin thêm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sâm, để sử dụng mạng xã hội an toàn cần thạo về quy định và thuật toán của công ty chủ quản. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, những nội dung chia sẻ đều có thể được phát tán ra nhanh chóng. Do đó, nếu không kiểm soát tốt, mạng xã hội có thể là một con dao hai lưỡi.
“Một ví dụ điển hình trong thành tựu sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách là về lấy ý kiến đóng góp trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ trong thời gian ngắn đã nhận được hơn 5000 góp ý. Có những luật sư góp ý tới 40 trang rất tâm huyết. Đây là một tín hiệu tích cực chưa từng có trong những lần lấy ý kiến trước đây”, ông Sâm cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sâm, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã xây dựng được trang thông tin chính sách với hơn 11 triệu lượt người truy cập mỗi tháng. Trong 3 ngày gần nhất thu hút hơn 11 triệu view với lượng người online 10.000 tài khoản trong cùng 1 thời điểm. Điều này cho thấy sự quan tâm của người dân đối với các thông tin chính sách. “80% người đọc độ tuổi từ 17-45 tìm hiểu về chính sách liên quan đến học hành, công việc, những vấn đề liên quan trực tiếp tới cuộc sống, sự nghiệp. Chúng tôi phấn đấu đến 2024 ít nhất sẽ 20 triệu view 1 tháng”, ông Sâm chia sẻ.
Đổi mới phương thức, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”
Trong tham luận có tựa đề “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”, đề cập đến tính Đảng của báo chí, Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) cho biết, để phát huy tốt vai trò của mình, thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữ vững định hướng của Đảng, là ngọn cờ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; với nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; đồng thời cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, Báo SGGP rút ra được 4 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, để giữ vững và nâng cao tính Đảng, tính định hướng trên Báo SGGP, nhất là trong bối cảnh các phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Đảng ủy, Ban Biên tập báo SGGP tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo; quan tâm hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng công nghệ, đặc biệt là cho các tòa soạn, nhất là báo Điện tử SGGP; ưu tiên đầu tư trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ những người làm báo của SGGP và các ấn phẩm, đáp ứng được các yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ hai, Đảng ủy, Ban Biên tập báo SGGP rất tập trung và luôn đề cao hơn nữa yêu cầu đổi mới phương thức tuyên truyền, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”. Báo SGGP chú trọng mở các chuyên trang, chuyên mục, lựa chọn chủ đề được bạn đọc quan tâm, tổ chức các đợt tuyên truyền trọng điểm gắn với các sự kiện chính trị, xã hội nổi bật, phổ biến kịp thời quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi trong các chủ trương, chính sách, phân tích, làm rõ những điểm mới và những giải pháp cơ bản để tổ chức thực hiện hiệu quả… Trong quá trình tuyên truyền, đội ngũ phóng viên của báo luôn bám sát thực tế cuộc sống, tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt thông tin đa chiều, toàn diện.
Thứ ba, Đảng ủy, Ban Biên tập báo SGGP rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ của Báo về lý luận chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước để người làm báo SGGP nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng. Đội ngũ những người làm báo SGGP luôn được nhắc nhở phải “rèn bút, luyện nghề” với tâm thế “Bút sắc, lòng trong, tâm sáng” mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cao cả: cán bộ báo chí là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Thứ tư, Báo SGGP phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội các địa phương không chỉ của TPHCM, đến tận chi bộ, đảng bộ cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền đúng định hướng, kết nối đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, tranh thủ ý kiến của các đảng viên lão thành, trí thức để luôn cập nhật được thông tin, bảo đảm lượng thông tin phong phú, mang tính chất đối thoại hai chiều giữa cơ quan tuyên truyền, cơ quan báo chí với cơ sở và ngược lại, qua đó tạo sự hấp dẫn với bạn đọc.
Báo Đảng hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn tin “gốc” để có thông tin độc quyền
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, thực tế, báo Đảng đang gặp những thách thức trước yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là sự cạnh tranh khốc liệt và các tác động tiêu cực của mạng xã hội và các kênh truyền thông khác.
Với sứ mệnh là tiếng nói của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân, hệ thống báo Đảng, trong đó có Hà nội mới có nhiều ưu thế cạnh tranh thông tin.
Cụ thể, thứ nhất, trong bối cảnh thông tin bùng nổ, thiếu kiểm chứng, thì với vị thế của mình, báo Đảng hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn tin “gốc” để có thông tin độc quyền.
“Ví dụ, vừa qua một số cơ quan báo chí thông tin về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Hà Nội chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là việc liên quan đến bố trí công việc của đội ngũ cán bộ các phường, xã thuộc diện sắp xếp, gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ. Phóng viên Báo Hà Nội mới đã phỏng vấn với đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ – cơ quan tham mưu cho thành phố thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, làm sáng tỏ vấn đề, định hướng dư luận”, ông Nguyễn Minh Đức cho biết.
Thứ hai, theo Tổng Biên tập báo Hànộimới, thế mạnh của hệ thống báo Đảng, đó là được tiếp cận, để cung cấp nguồn tin nhằm kịp thời thông tin về các chủ trương, chính sách có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và từng người dân. Theo đó, Hànộimới xác định thông tin phải bảo đảm tính hai chiều: 1- Đăng tải những thông tin về những chủ trương, đường lối của Đảng tác động tới xã hội; 2- Đăng tải phản ứng của xã hội đối với những chủ trương, đường lối đó. Mỗi bài viết đều phải thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, thành phố, phản ánh tâm nguyện của nhân dân, hơn hết là truyền đi thông điệp của sự thật, bản chất của mỗi sự việc, hiện tượng, vấn đề diễn ra hàng ngày, hàng giờ, giúp bạn đọc có cái nhìn xác thực, toàn diện hơn.
“Trên bình diện chung, hệ thống báo Đảng luôn đi đầu trong việc tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng; ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong việc hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Minh chứng rõ nhất là trong việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Số lượng tác phẩm bày tỏ thái độ phê phán những hành vi tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản nhà nước, những cán bộ quan liêu, hách dịch, sống xa hoa, thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào Đảng… ngày càng nhiều, xuất hiện hằng ngày, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc mà còn góp phần “kích hoạt” tinh thần phòng, chống tham nhũng trong nhân dân”, ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Thứ ba, thông tin chính xác, nguồn tin chính xác, góp phần định hướng dư luận. Theo Tổng Biên tập báo Hànộimới, với vai trò của mình, hệ thống báo Đảng, trong đó có Báo Hànộimới luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò là kênh thông tin quan trọng, góp phần định hướng dư luận. Những vấn đề “nóng” của đất nước, của Thủ đô trong quá trình phát triển luôn được phản ánh kịp thời, chính xác, đầy đủ trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới. Báo còn chủ động, tích cực tham gia cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố giải quyết những việc mới; việc khó như công tác giải phóng mặt bằng (điển hình là GPMB Vành đai 4), triển khai dự án xử lý rác thải, giải quyết tranh chấp đất đai…
Ông Nguyễn Minh Đức cũng cho biết, hiện tại, Báo Hànộimới hằng ngày dành trang 3 để đăng chuyên đề Sự kiện và dư luận, có thông tin trao đi đổi lại giữa bạn đọc và báo. Báo Hànộimới cũng đã xây dựng và duy trì các chuyên mục chính luận như: “Nghị quyết và Cuộc sống”,“Xây và Chống”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Luận bàn và hành động”, ” Khách mời Chủ nhật”… với nhiều bài phân tích sâu sắc, đưa ra chính kiến, thể hiện rõ thái độ khen, chê trước những vấn đề nóng bỏng của Thủ đô và đất nước, thẳng thắn đấu tranh với những hành vi trái pháp luật, qua đó định hướng dư luận.
Tuy vậy, theo Tổng Biên tập báo Hànộimới, trước sự phát triển vũ bão của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, báo Đảng không thể độc quyền thông tin, không thể chỉ cung cấp những gì mình có. Những đặc thù được cho là bất lợi trong việc cạnh tranh thông tin của báo Đảng, có thể kể tới: Nội dung thông tin về các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết, nhất là phản ánh vấn đề xây dựng Đảng vốn được xem là khó, khô… Thông tin trên báo Đảng còn nặng về tính chính trị, thông tin hội họp; hình thức thể hiện đơn điệu, khô khan, kém hấp dẫn bạn đọc. Chưa kể, đối tượng phản ánh của công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng là hoạt động của các cấp ủy và của cán bộ, đảng viên. Do vậy, lĩnh vực tuyên truyền này luôn đòi hỏi trách nhiệm cao đối với tập thể các cấp ủy khi cung cấp thông tin cho phóng viên.
Có một số yếu tố tác động khiến cho thông tin trên báo Đảng thường chậm hơn: Một là, do yêu cầu về tính chính xác của thông tin nên cần thời gian để thẩm định, kiểm chứng nguồn tin, chưa kể, đối với báo in, từ khi phát hiện sự kiện đến khi lên mặt báo phải mất ít nhất là 1 ngày, do vậy thông tin không còn mới so với báo điện tử.
Hai là, tư duy báo chí của những người làm báo Đảng chí ít vẫn chưa thực sự nhanh nhạy, bởi còn nặng tư tưởng là viên chức nhà nước, từ đó ảnh hưởng lớn đến yếu tố thời sự, nhanh nhạy của thông tin. Trong khi, nhiều cấp ủy có tâm lý “ngại báo chí”, nhất là việc cung cấp thông tin về những vấn đề nổi cộm, những vụ việc tiêu cực có liên quan đến cán bộ, đảng viên, dẫn đến việc thông tin chậm. Yêu cầu thông tin phải chính xác nên sự tác động của ngôn ngữ và lao động sáng tạo của báo chí vào thông tin cũng bị hạn chế.
Bên cạnh đó, trình độ nghiệp vụ của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên chưa đáp ứng được yêu cầu xuất bản báo chí số.
Báo Nhân Dân tiên phong xuất bản phụ trương sáu vùng kinh tế-xã hội
Với hình thức thể hiện là phụ trương có 12 trang về 6 vùng (1 vùng 2 trang), in màu, kích thước 42cm x 58cm, phát hành kèm theo Báo Nhân Dân hằng ngày vào các ngày thứ 2 trang “Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long”; thứ 4 trang “Đồng bằng Sông Hồng và Trung du miền núi phía bắc”; thứ 5 trang “Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ và Duyên hải” đến tất cả các tỉnh, thành trong vùng.
Tham luận tại phiên thảo luận, Nhà báo Tạ Quang Dũng – Vụ trưởng, Trưởng ban quản lý phóng viên thường trú Báo Nhân Dân cho biết, sau một năm Bộ Chính trị ban hành sáu Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng; Báo Nhân Dân là cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất trong cả nước tiên phong xuất bản phụ trương sáu vùng kinh tế-xã hội theo đúng tinh thần sáu Nghị quyết của Bộ chính trị. Đây được xem là một bước đi mạnh dạn, chững chạc thể hiện rõ tính định hướng, vai trò đi đầu, dẫn dắt của cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam-Báo Nhân Dân.
Phụ trương sáu vùng chiến lược có các chuyên mục, chuyên trang với các vấn đề thời sự, hấp dẫn, đặc sắc, phong phú của địa phương như Trang “Đồng bằng sông Hồng” với các chuyên mục như “Chuyển đổi số”, phản ánh về việc chuyển đổi số đối với tất cả các lĩnh vực tại các địa phương… Hay như các chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới” phản ánh về những cách làm hay, hiệu quả của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới; chuyên mục “Văn hóa làng quê” phản ánh về những nét văn hóa làng quê vùng đồng bằng sông Hồng, bao gồm những nét đẹp về văn hóa, làng nghề, làng cổ, cổng làng, điệu múa, phong tục, tập quán đẹp…
Trang “Trung du và miền núi Bắc Bộ” với các chuyên mục “Muôn cách thoát nghèo” phản ánh về những mô hình, cách làm hay của các cấp, các ngành, cá nhân nỗ lực phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu; sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo vùng sâu, vùng xa… Điểm nhấn về những địa danh, vùng đất ở các tỉnh miền núi phía bắc với những nét đẹp đặc trưng; điểm vui chơi, giải trí; danh lam, thắng cảnh; bản sắc văn hóa của các dân tộc… thông qua phóng sự ảnh được phản ánh đậm nét, nhiều sắc màu trên chuyên mục “Vẻ đẹp vùng cao”. Ngoài ra, trên các trang chuyên đề sẽ bố trí cột tin vắn, các bài viết khác phản ánh các vấn đề thời sự, bức xúc tại các địa phương trong vùng.
Trang Tây Nguyên với chuyên mục “Đặc sắc đại ngàn” phản ánh những nét văn hóa đặc trưng, bản sắc dân tộc, phong tục, tập quán… của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên. Chuyên mục “Mô hình tốt-Việc làm hay” phản ánh những giải pháp, cách làm, mô hình hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương trong vùng. Chuyên mục “Từ phố thị đến buôn làng” phản ánh những vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tiễn về phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương trong vùng; đồng thời nêu những kiến nghị, giải pháp khắc phục. Chuyên mục “Nhịp điệu Tây Nguyên” đề cập những địa danh nổi tiếng, những vùng đất giàu truyền thống văn hóa vùng Tây Nguyên qua phóng sự ảnh.
Trang “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” với các chuyên mục “Hành trình đổi mới” phản ánh việc đổi mới trong lãnh đạo, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. Chuyên mục “Điểm sáng” nêu những tấm gương người tốt, việc tốt diễn ra trong cuộc sống đời thường tại các địa phương trong vùng. Chuyên mục “Qua vùng Di sản” đề cập nét đặc trưng, vẻ đẹp của các di sản tại các địa phương; cũng như việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trong vùng.
Trang “Đông Nam Bộ” với các chuyên mục “Xây dựng Đảng” phản ánh công tác xây dựng Đảng tại các địa phương, đơn vị; những kết quả nổi bật, những giải pháp, kiến nghị cụ thể về công tác xây dựng Đảng tại các địa phương, đơn vị. Chuyên mục “Tiếng nói từ cơ sở” đề cập những kiến nghị cụ thể, những vấn đề bất cập từ thực tiễn tại các địa phương để các cấp, các ngành sớm có giải pháp khắc phục.
Trang “Đồng bằng sông Cửu Long” với những chuyên mục “Sông nước miệt vườn”, đề cập các địa danh nổi tiếng vùng sông nước miền Tây Nam bộ; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch vùng sông nước miệt vườn. Chuyên mục “Thích ứng biến đổi khí hậu” nêu các mô hình, cách làm hiệu quả của các địa phương để thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chuyên mục “Theo dòng sự kiện” bao gồm cụm tin, ảnh thời sự về các địa phương…
Nhà báo Tạ Quang Dũng nhấn mạnh: Việc xuất bản ra mắt phụ trương sáu vùng kinh tế-xã hội trên Báo Nhân Dân hằng ngày và thực hiện mở chuyên trang, chuyên mục về sáu vùng trên các ấn phẩm Báo Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân, là chủ trương đột phá, kịp thời, phát huy tính tiên phong trong việc đẩy mạnh tuyên truyền khai thác và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng; liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới…
Đặc biệt trong bối cảnh báo chí trong nước đang gặp không ít khó khăn, một mặt do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và khó khăn kinh tế, nhưng với sự quyết tâm của Tổng Biên tập, Ban Biên tập, Đảng ủy Báo Nhân Dân đã xuất bản phụ trương sáu vùng kinh tế-xã hội, sớm đến tay bạn đọc, lãnh đạo, người dân các địa phương trong cả nước.
Thời gian tới, báo Nhân Dân sẽ nỗ lực hết mình, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để tiếp tục tuyên truyền, sinh động, hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về sáu vùng kinh tế-xã hội.
Khắc phục tình trạng “đồng phục thông tin”
Trong khuôn khổ phiên thảo luận đã diễn ra tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của các diễn giả tham luận và nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Phú Thọ. Lãnh đạo các cơ quan báo chí đã đề cập những vấn đề nóng trong hoạt động báo chí hiện nay như: sự “đồng phục thông tin” tạo nhàm chán, không hiệu quả trong truyền thông chính sách; tính Đảng, tính định hướng gắn với tính chiến đấu, tính hấp dẫn của báo chí; chuyển đổi số báo chí…
Các diễn giả có đồng quan điểm về sự cần thiết phải khắc phục tình trạng “đồng phục thông tin” và cho rằng, mỗi cơ quan báo chí cần giữ được bản sắc riêng và có hướng đi riêng, với cùng một nội dung nhất định, tùy theo sắc thái của từng tờ báo để làm phong phú hình thức truyền tải.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, các diễn giả cũng cho rằng các cơ quan báo chí cần chú trọng vấn đề con người và yếu tố then chốt vẫn là nội dung chất lượng.