Ngày 15/3, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu và quảng bá hình ảnh của địa phương.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và các sở, ngành đã báo cáo khái quát về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm nay và có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan.
Năm 2023, Gia Lai đã đạt 14/21 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Trong đó, GRDP tăng 3,02%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; GRDP bình quân đầu người đạt 59,08 triệu đồng.
Diện tích gieo trồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư… đều tăng so với năm trước. Thu ngân sách đạt 103% dự toán Trung ương giao…
Tuy nhiên, tỉnh còn 7/21 chỉ tiêu chưa đạt so với nghị quyết đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng; công tác thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng. Một số vướng mắc trong quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng, nguồn đất san lấp… đã ảnh hưởng đến giải ngân, thu ngân sách. Tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia còn chậm.
Quyết tâm khắc phục khó khăn, năm nay, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,6%; giải ngân xây dựng cơ bản đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,11% (giảm 2%). Địa phương đặt mục tiêu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 103 xã); trồng mới 9.000ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,75%.
Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, Gia Lai kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về nhiều lĩnh vực như điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tế địa phương; xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật, dịch vụ sự nghiệp công trong sử dụng ngân sách Nhà nước lĩnh vực y tế, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia và triển khai tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn theo hình thức đầu tư công.
Tại buổi làm việc, tỉnh đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, các dự án giao thông trọng điểm (Quốc lộ 25, Quốc lộ 14C, tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn), năng lượng tái tạo, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và một số vấn đề khác trên địa bàn gắn với những kiến nghị, đề xuất liên quan.
Trên cơ sở đó, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc… đã giải trình, làm rõ một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời, tiếp thu, ghi nhận đối với những nội dung vượt thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo Chính phủ sớm xem xét, giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong năm 2023 với những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi kinh tế, công tác đối ngoại cũng như trong triển khai các kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ tại các buổi làm việc với tỉnh.
Theo Bộ trưởng, năm nay, Chính phủ đề ra chủ trương “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả,” từ thực tế địa phương, tỉnh cần vận dụng, cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai cụ thể. Theo đó, Gia Lai cần tập trung triển khai quyết liệt Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên; triển khai kịp thời các Chương trình mục tiêu Quốc gia; tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan tiếp tục quan tâm, bám sát các đề xuất, kiến nghị của địa phương để tập trung tháo gỡ. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan có những hướng dẫn cụ thể để tỉnh triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, phát triển bền vững năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy thương mại biên giới, du lịch… cũng như hỗ trợ nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai./.