Tôi có 6 năm bán quán cà phê, từ năm 1979 đến 1985. Nghề cà phê đến với nhà tôi khá bất ngờ bởi không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc đi kinh tế mới. Cũng may, hay nói theo nhà Phật là cái duyên, quán rất đông khách dù trước đó trong nhà không ai biết tới cái nghề này.
Người chị lớn của tôi bỗng trở thành barista dù thời gian đầu đổ tháo tùm lum. Khách hàng thì kêu ca cà phê có cặn (xác cà phê); mấy chị kế thì phụ rửa ly, rửa vợt, bình trà, đập đá (hết đá cây tới đá bẹ), còn 3 anh em trai tôi thì “chuyên trị” chạy bàn… Nói chung, cả nhà 10 người ai cũng có việc, má lo cơm nước, còn ba thì phụ trách cái tủ thuốc lá.
Có thể nói nghề cà phê đã nuôi dưỡng gia đình tôi suốt 6 năm trời, trước khi Nhà nước có những chính sách thoáng hơn về kinh tế. Bán quán cà phê được cái không đầu tư gì nhiều; cà phê hay trà, đường đều có người giao mối lấy tiền sau; chỗ ngồi thì bàn cây ghế cóc cũ kỹ cũng xong. Khó khăn nhất là mấy tháng nắng hạn cúp điện liên miên nên nước đá khan hiếm vô cùng, thậm chí phải chực chờ ở cơ sở đá bẹ mà giành giật!
Tôi nghĩ không chỉ nhà tôi mà cà phê đã nuôi sống rất nhiều gia đình, phận người suốt hằng thế kỷ qua bởi “tính” nghèo hèn sang giàu đều “chơi” được, trong đó có những câu chuyện đã dệt thành cổ tích.
Nếu với Trung Nguyên là “kỳ tài” Đặng Lê Nguyên Vũ thì tôi lại ấn tượng với những “đại gia” thành đạt từ những túi cà phê đá ngày ngày lê la khắp bến phà Mỹ Thuận. Có lẽ với họ, cà phê không còn đơn thuần là cái nghề, là nuôi sống mà là một bước ngoặt, định mệnh của cuộc đời.
(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).