Thay đổi nhiều quy định
Theo đó, tại dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách (sửa đổi, bổ sung QCVN 45:2012/BGTVT) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, bên cạnh các hạng mục công trình bắt buộc như: Khu vực đón trả khách; bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách; bãi đỗ xe dành cho phương tiện khác; phòng chờ cho hành khách…, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định cho phép lắp đặt sử dụng trạm sạc cho xe điện trong phạm vi bến xe khách.
Như vậy, các công trình dịch vụ thương mại khuyến khích xây dựng bao gồm: Trung tâm thương mại; khách sạn, nhà nghỉ; nhà hàng phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc cho xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà để xe nhiều tầng và trung tâm dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cập nhật yêu cầu các bến xe khách được xây dựng và lắp đặt các trang thiết bị phòng và chống cháy, chữa cháy theo đúng quy định.
Đối với quy định về kiểm tra, giám sát thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bến xe khách, dự thảo bãi bỏ quy định: Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lực lượng thanh tra đường bộ tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động của bến xe khách, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo các bến xe khách luôn duy trì và thực hiện đúng các quy định của quy chuẩn và các quy định pháp luật liên quan khác.
Ngoài ra, dự thảo quy chuẩn cũng quy định: Cục Đường bộ VN có trách nhiệm thực hiện xây dựng phần mềm quản lý bến xe khách toàn quốc; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn.
Vì sao phải sửa đổi?
Theo Cục Đường bộ VN, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách QCVN 45: 2012/BGTVT đã được sửa đổi lần 1 vào năm 2015, là tài liệu buộc thực hiện quy định điều kiện cơ sở vật chất; các yêu cầu trong việc lập quy hoạch, đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và quản lý khai thác bến xe khách.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định số 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thông tư số 12/2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, các bến xe khách trên toàn quốc phải tuân thủ quy chuẩn quốc gia về bến xe khách.
Tính đến nay, cả nước có 555 bến xe ô tô khách, trong đó có 390 bến xe từ loại 1 đến loại 4; còn lại 165 bến xe dưới loại 4 được xây dựng, cải tạo, nâng cấp dựa trên các quy định của Quy chuẩn QCVN 45: 2012/BGTVT.
Tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; ngày 22/7/2022 Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải; bên cạnh đó, trong thực tế một số hãng xe buýt, taxi,… đã bắt đầu sử dụng xe điện trong vận tải hành khách.
“Vì vậy, cần bổ sung quy định về trạm sạc điện trong phạm vi bến xe khách. Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan thì việc sửa đổi quy chuẩn QCVN 45:2012/BGTVT sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm hoàn thiện hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về hoạt động của bến xe khách trên toàn quốc”, Cục Đường bộ VN cho biết.
Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung quy chuẩn còn góp phần nâng cao lượng, hiệu quả công tác quản lý bến xe khách trên toàn quốc. Do đó, cần thiết sửa đổi lần 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách.