Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về địa phương thông qua hệ thống thủy lợi, để hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước trong mùa khô.
Thông tin được ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau đề xuất với đoàn công tác của Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi kiểm tra thực tế công tác ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại địa phương, ngày 14/3.
Theo ông Tùng, tỉnh có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm. Vì vậy, địa phương thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở địa bàn năm nay sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất và dân sinh. Tại huyện Trần Văn Thời ghi nhận 131 tuyến kênh bị sụt lún, 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 14.500 m, ước tính thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Toàn tỉnh đang có hơn 1.800 hộ thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Hiện mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt tiếp tục xuống thấp. Trong thời gian tới địa phương sẽ thêm nhiều kênh bị khô cạn, dẫn đến thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh đề xuất xây hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua mạng lưới trạm bơm. Việc lấy nước ngọt sẽ thực hiện vào cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ. Việc này chủ yếu bơm nước ngọt vào hệ thống kênh, rạch, bởi khi sản xuất lúa vụ 2, nguồn nước mưa trên các tuyến kênh đã vơi dần.
Trước mắt, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư hoàn chỉnh lại âu thuyền Tắc Thủ và một số cống (kinh phí khoảng 741 tỷ đồng) để điều tiết lấy nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và kênh Quản lộ – Phụng Hiệp cấp cho vùng ngọt.
“Việc lấy nước này ngoài việc phục vụ sản xuất, còn giúp hệ thống kênh mương trong nội đồng không bị khô cạn, hạn chế sụt lún”, ông Tùng nói.
Nói về việc dẫn nước từ sông Hậu, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó cục Thủy lợi, cho biết đề xuất trên đã được cơ quan khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan độc lập khác nghiên cứu.
Ông Khanh đề nghị cần tính đến hiệu quả của giải pháp đưa ra. Cụ thể, một m3 nước từ Sông Hậu về Cà Mau thông qua bơm điện thì chi phí bao nhiêu so với giải pháp tại chỗ, các công trình tích trữ nước nhỏ. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu tổng thể, toàn diện phương án đưa nước từ sông Hậu về tỉnh.
Trước đó, tại buổi khảo sát các công trình chống hạn mặn của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đưa ra đề xuất dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh miền Tây để khắc phục tình trạng thiếu nước mùa hạn mặn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mặn đã đạt mức cao nhất từ đầu mùa đến nay, cao hơn trung bình nhiều năm và xâm nhập sâu hơn 5 km-15 km. Dự báo, mùa khô năm nay sẽ còn hai đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhưng độ mặn sẽ thấp hơn.
Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Năm 2020, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó.
An Minh