Nhà thơ Lê Giang sinh ngày 8-2-1930 tại xã Thạnh Phú, nay thuộc thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Bà tham gia cách mạng từ năm 1945, kết nạp Đảng ngày 3-8-1949.
Trong kháng chiến chống Pháp, bà công tác tại quê nhà. Sau Hiệp định Genève (1954) tập kết ra Bắc, bà làm trưởng khoa bệnh viện miền Nam tại Thanh Hóa và Bệnh viện Việt Đức Hà Nội.
Đến năm 1964, bà trở lại miền Nam công tác, giữ chức vụ thường vụ Đảng ủy, phó Văn phòng, rồi quyền chánh văn phòng Ban Dân y miền Nam.
Giai đoạn cuối cuộc kháng chiến cứu nước, bà chuyển sang công tác lĩnh vực văn học nghệ thuật, làm biên tập viên chính của Tiểu ban Văn nghệ miền Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Lê Giang công tác tại Báo Văn nghệ Giải phóng và Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM.
Đến năm 1990, bà nghỉ hưu theo quy định và tiếp tục làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.
Hơn 50 năm hoạt động, nhà thơ Lê Giang là tác giả của hàng chục tác phẩm với nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật.
Các tập thơ đã xuất bản gồm: Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Ơi anh chàng hát rong…
Nhiều bút ký và biên khảo cũng đã xuất bản như: Tìm ngọc ở quê mình, Bộ hành với ca dao, 250 điệu lý quê hương, Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Dân ca người Việt ở Nam Bộ…
Đặc biệt nhiều bài thơ của bà được phổ nhạc hoặc do nhà thơ Lê Giang viết lời như: Em vẫn đợi anh về (Hoàng Hiệp), Tiếng sáo (Phạm Minh Tuấn), Chiều xuống Đa Nhim (Xuân Hồng), Ngày mai anh lên đường và Thành phố tình yêu (Thanh Trúc), Mẹ cho con câu hát quê mùa (Lư Nhất Vũ).
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh ngày 13-5-1936, tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Ông tham gia cách mạng khi còn trẻ, đứng vào hàng ngũ của Đảng ngày 19-3-1976. Sau Hiệp định Genève (1954) ông tập kết ra Bắc, tham gia Thanh niên xung phong. Sau đó, ông tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, rồi công tác tại Đoàn ca múa miền Nam.
Năm 1970, ông trở về chiến trường miền Nam và công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.HCM) với các chức vụ: Phân viện trưởng Phân viện Âm nhạc tại TP.HCM, ủy viên Ban thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, phó tổng thư ký Hội âm nhạc TP.HCM, Đảng ủy viên Khối cơ sở Bộ Văn hóa Thông tin.
Lư Nhất Vũ là tác giả của hơn 20 tác phẩm nổi tiếng như: Sáng ra công trường, Chiếc khăn rằn, Tưởng nhớ Trần Văn Ơn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Khúc hát người đi khai hoang… đặc biệt là ca khúc Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca đất phương Nam.