Ca sĩ Trần Thu Hà (còn gọi là Hà Trần) vừa trở lại trong một ngày tháng 3, mang theo Những con sông ngón tay. Đây là album phòng thu mới nhất của cô sau Bản nguyên tám năm trước.
Album được manh nha từ năm 2017 với một lời mời thu âm từ nhạc sĩ Trần Đức Minh và nhà thơ Phan Lê Hà, thu xong năm 2021.
Năm ngoái, album được nhạc sĩ Trần Thanh Phương master lại, nay mới công bố.
Nếu trước đây Hà Trần mất tới 10 năm và nhiều năng lượng để cho ra Bản nguyên đầy lửa (sau Đối thoại 06) thì từ Bản nguyên tới Những con sông ngón tay, cô đã làm một cú lội ngược, mơ sâu và thả lỏng hoàn toàn trong một trạng thái hết sức tự do, chậm rãi…
8 năm mới trở lại, Hà Trần có gì hay?
Album gồm 13 bản nhạc, trong đó Mộng gắn với MV ca sĩ phát hành năm 2021 và Những con sông ngón tay là nhạc phim trong phim Mai của Trấn Thành mới đây.
Album Những con sông ngón tay đưa khán giả bước vào một cuộc dạo chơi không – thời gian. Ở đó, Hà Trần giống như một “cô bé ưa đội mũ thích làm duyên”, “thích bay nhảy và chu du thế giới”.
Trong vùng không gian tâm tưởng đó, người con gái đi qua những tháng ngày phủ sắc áo nâu phong trần, thấm tháp giấc mơ đời người, dạt về những miền hoang lích rích âm thanh của côn trùng, những mùa hoa đầy lá hát, sông khóc, đồng buồn và Thần nông lưng còng theo hè ra đi (Giấc mơ màu nâu, Ngã rẽ, Đêm hè cuối…).
Âm nhạc chìm đắm trong tĩnh tại. Trên nền guitar mộc, cô gái vừa hát vừa nhấm nháp những mảnh vụn còn rơi rớt thật chậm và hạnh phúc.
Thơ Phan Lê Hà giàu nhạc tính, hình ảnh và trau chuốt về mặt ngôn từ, được phổ nhạc rồi “đánh bóng” bởi hai nhạc sĩ họ Trần, lại được trình bày qua giọng hát Hà Trần – nữ cao, mảnh, gợi và tinh tế có thừa. Không có gì lạ, Những con sông ngón tay là một album đẹp, thậm chí ở một góc nào đó còn “sạch” quá mức.
Nếu kỳ vọng ở Hà Trần một “cú nổ” và sức công phá giống cách album Nhật thực, Đối thoại 06… đã làm được như nhiều năm về trước thì chắc chẳng có cú nổ nào. Lần trở lại này cô không mang theo một bí mật nào cả.
NHỮNG CON SÔNG NGÓN TAY – HÀ TRẦN (nhạc phim MAI) |
Những con sông ngón tay là một album khá êm dịu, âm nhạc không có gì mới mẻ và gai góc, thậm chí có phần nhẹ đô so với dư địa giọng hát và tư duy âm nhạc của cô. Nhưng có thể như Hà Trần từng tâm sự, cái duyên của dự án lần này báo hiệu một giai đoạn chuyển tiếp nội tâm.
Hà thường làm album cá nhân khi thấy duyên đủ thuận. Tám năm mới thuận để ra một điều gì đó, cũng chẳng phải vô cớ.
Ở đây, vẫn là pop, jazz, rock, blues… cộng hưởng cùng giọng hát “độc nhất vô nhị” của Hà Trần. Sự hòa giọng của hai người khác (ở Dự cảm, Đêm ngân) nếu có cũng làm cho không gian âm nhạc thêm nhiều dư vị và nới rộng thêm.
Từ Đêm ngân, Em, Những con sông ngón tay… đến Tuổi trẻ của chúng mình, Hà hát và mơ suốt đêm “về kiếp nào đấy của chính mình tôi đã sống”. Để khi album hoàn thành, thấy đâu đó một nụ cười nhẹ nhõm và mãn nguyện.
Không trend nhưng không hề xa lạ
Sau khi cho ra các album phòng thu và chương trình gây tiếng vang, tạo ra được một tòa thành âm nhạc mang tên mình và bước vào hàng diva, “tắc kè hoa” Hà Trần có lẽ ít nhiều đã thấm mệt.
Khi công bố dự án Bản nguyên (2016), Hà Trần nói với nhạc sĩ Quốc Trung cô sẽ nghỉ hát.
Hà Trần lúc đó không có gì để tiếc và cũng chẳng còn nhiều lưu luyến bởi chẳng còn ai có nhu cầu phải hơn nữa. Và cô có muốn hát hay hơn hay muốn đứng lại thì cũng chỉ có một mình cô thôi.
Cảm trạng của Hà Trần đặt trong bối cảnh nhạc nhẹ Việt Nam – tạm lấy mốc từ những năm 2010 đến nay, có thể khiến ai đó giật mình.
Nhiều nghệ sĩ trong thế hệ của cô “về bên kia dốc” của sáng tạo và cống hiến, lâu rồi không ra bài hát/album mới và cứ sang sảng những bài ca cũ.
Trong khi đó, một lứa nghệ sĩ trẻ xuất hiện và phủ sóng các mặt trận, đi cùng đó là một mỹ cảm âm nhạc khác trước, thật mới mẻ, bắt trend nhưng cũng tít mù trôi tuột. Hát khác và nghe cũng khác.
Một bộ phận công chúng cuối gen X và gen Y bằng một cách nào đó bị đào thải khỏi không gian âm nhạc đương đại. Họ hoài niệm thứ âm nhạc dành cho họ. Ai sẽ làm nhạc, ai sẽ hát cho họ nghe?
Vì thế, khi Hà Trần ra Những con sông ngón tay hay trước đó Hồng Nhung phát hành album Đài phát thanh công cộng… đều trở thành những sản phẩm “giải” cơn khát thế hệ.
Khi phim Mai ra rạp, ca khúc nhạc phim Những con sông ngón tay chinh phục không ít khán giả trẻ.
Album cùng tên mang Hà Trần trở lại theo một cách không choáng ngợp, không thật trend nhưng cũng không hề xa lạ.
Và trong lứa công chúng tươi mới ấy, cũng đã có những người “lên xe về miền quá khứ” nghe nhạc “cô” Hà Trần, “cô” Hồng Nhung… để sống trong một thế giới âm nhạc phải nghe bằng tai thay vì nhìn bằng mắt.