Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 ngày 14/3, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư công, chính sách tài khóa,…
Ông Ấn cho rằng, để xử lý triệt để thì cũng cần có những cuộc khảo sát trực tiếp những vướng mắc điển hình để xử lý, từ đó đưa ra các giải pháp chung nhằm giải quyết nhanh những bất cập làm tăng cơ hội giải ngân cho hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần sớm có chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu hàng hóa.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế vừa được Quốc hội thông qua; hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường.
BIDV cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời đề nghị NHNN và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ sản phẩm thông qua phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng; tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nâng cao năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho rằng, tăng trưởng tín dụng nên đi đôi với xem xét chính sách tài chính, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; điều chỉnh biểu thuế suất thu nhập cá nhân để “khoan sức dân”, tăng khả năng tiêu dùng.
HDBank kiến nghị Tổ công tác Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cùng ngành ngân hàng quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục giấy phép cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và từ đó hỗ trợ cho công tác giải ngân tín dụng.
Cùng đó, cần sớm khôi phục niềm tin để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở lại, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng để các doanh nghiệp, dự án có nguồn vốn dài hạn, bền vững. Hỗ trợ khu vực cho vay nông nghiệp nông thôn, phụ nữ, khởi nghiệp, khu vực lao động phổ thông, nới lỏng các quy định về tài sản đảm bảo nguồn trả nợ.
“Tất cả các ngành kinh tế khác nhau nên tập hợp với nhau dưới các tổ chức như hiệp hội, các hội nghị kết hợp giữa ngành ví dụ như: hàng không, du lịch, bất động sản, dịch vụ”, bà Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) bày tỏ mong muốn Nhà nước có hẳn một chương trình riêng để hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng không thì không thể đủ.
Ông Vinh cũng đề nghị về có giải pháp cho vấn đề là xử lý nợ bởi các ngân hàng không chỉ nợ không thu hồi được tài sản, không dám cho vay mà còn tăng thêm chi phí, vốn. Lĩnh vực xử lý nợ xấu phải là một đối tượng được Nhà nước cực kỳ quan tâm, cần có một Bộ luật riêng để xử lý nợ xấu đồng thời đề nghị gia hạn Nghị quyết 42.