Thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội
Báo cáo Một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các quy định của một số luật và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung 2 nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ (khoản 3).
Để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai, dự thảo luật quy định: Trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô (khoản 4).
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP. Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của Việt Nam.
Về các nội dung phân quyền cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, so với Kỳ họp thứ Sáu, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trong một số lĩnh vực, như giao HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố; phân quyền cho UBND Thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều…
Về các biện pháp, giải pháp thu hút, huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, trên cơ sở 9 nhóm chính sách do Chính phủ trình, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.
Bảo đảm tính thông suốt từ quan điểm, tư duy đến tầm nhìn
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo luật lần này đã cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Các nội dung của dự thảo luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan.
“Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), theo Chủ tịch Quốc hội, đã thống nhất được các quy định trong dự thảo luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Thủ đô thực hiện nhiệm vụ.
Về phân quyền cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thực tiễn những cơ chế thử nghiệm cho các địa phương đã ban hành có cả cơ chế chi và thu. Tuy nhiên, với những cơ chế quyết định cơ chế phân bổ, huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực là “rất ngại”.
Trong khi đó, nếu không có cơ chế này thì không thể giải quyết được các vấn đề của đô thị. Ví dụ như vấn đề ô nhiễm môi trường, thì luật lần này ban hành có giải quyết được hay không, nên phân quyền gì cho Hà Nội…? Nêu một số câu hỏi mang tính chất gợi mở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo luật lần này cần nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động cho Thành phố.
Với hình thành phân cấp, phân quyền rất cao cho Thủ đô Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành cao quy định tại dự thảo luật là UBND TP. Hà Nội có thẩm quyền điều chỉnh và giao HĐND TP. Hà Nội quy định chi tiết về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch để tạo sự chủ động cho Thủ đô trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật.
Như vậy, có thể không cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng và quy định này sẽ rút ngắn trình tự, thủ tục thực hiện, nâng cao trách nhiệm cũng như kịp thời đáp ứng những vướng mắc thực tiễn ở Thủ đô Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, ngay sau Phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật để báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tới đây. Đồng thời, tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị bước đầu các nội dung cần xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Sau Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ tiếp tục đưa ra lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hoàn chỉnh và gửi văn bản lấy ý kiến chính thức của Chính phủ, đồng thời báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy tới với chất lượng cao nhất, đáp ứng các yêu cầu về chính trị, thực tiễn và pháp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại trong thời kỳ mới, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.