Quỹ ETF dự kiến mua vào lượng lớn cổ phiếu FTS sau nhịp tăng mạnh
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT tiếp tục giao dịch vùng định giá cao nhất ngành, nhưng vẫn được quỹ VNM ETF thêm vào và có thể mua mới hơn 3 triệu cổ phiếu.
Định giá cổ phiếu FTS không rẻ
Trái với xu hướng tăng nhẹ và đi ngang của chứng khoán thời gian qua, cổ phiếu FTS của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT liên tục tăng nóng, trở thành một hiện tượng trên sàn HoSE. Từ ngày 21/8/2023 đến 8/3/2024, giá cổ phiếu FTS đã tăng 95,1%, từ 30.400 đồng lên 59.300 đồng/cổ phiếu. Ngược lại, cùng thời gian, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ 5,7%, lên 1.247,35 điểm.
Trải qua nhịp tăng mạnh, nếu xét theo định giá P/E, cổ phiếu FTS đang giao dịch vùng định giá là 28,6 lần, cao hơn so với trung bình 6 cổ phiếu nhóm chứng khoán đang niêm yết có thanh khoản cao trên sàn (18,74 lần). Nếu xét nhóm công ty chứng khoán có quy mô tài sản tương đồng với Công ty cổ phần Chứng khoán FPT như Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (mã BVS), Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS), thì định giá cổ phiếu FTS cao hơn nhiều (hai cổ phiếu trên lần lượt là 11,93 lần và 13,82 lần).
Như vậy, trải qua nhịp tăng gần 7 tháng qua, FTS trở thành cổ phiếu định giá cao trong nhóm chứng khoán dù cùng quy mô với nhóm chứng khoán nhỏ và vừa, đồng thời duy trì mức định giá cao hơn nhiều so với các công ty lớn như Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã SSI), Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã VND), Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (mã HCM)…
Thực tế, đà tăng nóng của cổ phiếu FTS không có nhiều thông tin hỗ trợ thay đổi hay giúp kỳ vọng doanh nghiệp có sự bùng nổ mới. Trong đó, năm 2023, Công ty ghi nhận tổng doanh thu tăng 11%, lên 944,17 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 22,7%, lên 541,9 tỷ đồng và hoàn thành 129% so với kế hoạch lãi 420 tỷ đồng trong năm 2023. Năm 2024, Công ty đặt kế hoạch đi lùi với doanh thu 845 tỷ đồng, giảm 8,29%, lợi nhuận trước thuế dự kiến 420 tỷ đồng, giảm 17,65% so với thực hiện trong năm 2023.
Tại thời điểm 31/12/2023, quy mô tài sản của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT tăng 55,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.946,7 tỷ đồng, lên 8.234,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu 5.394,1 tỷ đồng các khoản cho vay, chiếm 65,5% tổng tài sản; các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 1.349,3 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 1.253,4 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng tài sản…
Thực tế, các khoản cho vay chủ yếu liên quan tới hoạt động môi giới chứng khoán khi cho vay giao dịch ký quỹ, cũng như nghiệp vụ ứng trước tiền bán. Ngược lại, tài sản FVTPL chủ yếu 348,2 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH), 474,2 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, 120 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và 403,8 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn cố định, chứng chỉ tiền gửi.
Ngoại trừ việc tự doanh cổ phiếu MSH, đa phần tài sản của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT nằm ở nghiệp vụ môi giới chứng khoán khi cung cấp khoản vay margin, cũng như ứng trước tiền bán cho nhà đầu tư đang đầu tư chứng khoán trên thị trường. Xét về cơ cấu doanh thu, nghiệp vụ môi giới và cho vay ký quỹ năm 2022 ghi nhận doanh thu 928,3 tỷ đồng, chiếm 109,2% tổng doanh thu; năm 2023 ghi nhận 740,6 tỷ đồng, chiếm 78,4% tổng doanh thu.
Như vậy, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT đang phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán, đặc biệt là thanh khoản thị trường.
Quỹ ETF sẽ bỏ ra khoảng 195,5 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu FTS
Trái với lo ngại cổ phiếu FTS tăng cao, nhà đầu tư sợ rủi ro và hạn chế mua vào, quỹ chỉ số lại có động thái sẽ mua vào lượng lớn cổ phiếu FTS. Theo công bố danh mục review quý I/2024 ngày 9/3/2024, MarketVector Indexes sẽ bổ sung cổ phiếu FTS vào danh mục MarketVector Vietnam Local Index – chỉ số tham chiếu cho Quỹ VNM ETF.
Theo đó, trên cơ sở dữ liệu ngày 8/3/2024, BSC Research dự báo, cổ phiếu FTS có thể được mua thêm 3.296.733 cổ phiếu vào Quỹ VNM ETF trong đợt review này. Như vậy, nếu tính theo giá đóng cửa ngày 8/3 là 59.300 đồng/cổ phiếu, quỹ chỉ số sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 195,5 tỷ đồng để mua vào gần 3,3 triệu cổ phiếu FTS.
Theo tìm hiểu, các quỹ VNM ETF là quỹ chỉ số theo các tiêu chí định lượng, hình thức đầu tư thụ động, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu dựa trên thanh khoản, vốn hoá thị trường và free float (tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư ngoại còn lại). Việc các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu đơn thuần dựa trên tiêu chí định lượng, không có các ngoại lệ đối với các cổ phiếu tăng nóng, dẫn tới các quỹ chỉ số hay mua phải các cổ phiếu tăng nóng, sau đó các cổ phiếu này thường quay lại giảm sâu.
Đơn cử, cuối năm 2015, cổ phiếu HHS được thêm vào Quỹ VNM ETF sau chuỗi tăng nóng, nhưng sau đó bắt đầu bước vào chu kỳ giảm kéo dài, tới ngày 16/9/2016 chỉ còn 3.050 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 74,4% so với đỉnh ngày 27/10/2015. Đầu năm 2018, Quỹ MSCI Frontier Markets Index thêm mới cổ phiếu ROS sau chuỗi tăng nóng và sau đó cổ phiếu cũng lao dốc.