Chiều 13/3, tại Hà Nội, Hội thảo chuyên đề “Tương lai của Báo chí và trí tuệ nhân tạo” được diễn ra. Hội thảo do Global PR Hub phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam, hãng tin Reuters và MGID tổ chức.
Tham dự hội thảo có nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông… ngoài ra còn có nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, chúng tôi bắt đầu đề cập đến trí tuệ nhân tạo với báo chí vào khoảng năm 2017, khi đó tại một số hội nghị mà chúng tôi đề cập đến trí tuệ nhân tạo (AI) rất nhiều người nói rằng là nó là chuyện rất xa vời, sẽ còn lâu mới xảy đến với Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 2018 tại TTXVN Việt Nam báo Vietnamplus đã ứng dụng chatbot. Cho đến hiện nay việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ứng dụng ở rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Hiện nay trí tuệ nhân tạo đang bước đến một giai đoạn mới không còn trí tuệ nhân tạo mà như chúng ta nói từ xưa nữa. Giờ AI có thể tự động phân tích để nắm bắt người dùng, theo dõi người dùng và bây giờ nâng đã cấp lên rất nhiều. Công nghệ ngày nay là một đồng minh rất là quan trọng để tạo ra báo chí chất lượng cao và ngay kể cả những cơ quan báo chí ở những quốc gia nhỏ cũng sẽ được lợi rất nhiều từ việc này, tất nhiên cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Hiện chúng ta sử dụng AI như một cái trào lưu, một cơn sốt và chúng ta có đề cập đến tiện ích rất nhiều nhưng đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy ra những cái lợi thế của nó mà chúng ta chưa nhận thấy những rủi ro có thể mang lại. Nếu đặt câu hỏi là trong 12 tháng tới thì lĩnh vực nào được ưu tiên thì hầu như các cơ quan báo chí đều cho rằng đầu tư vào AI là rất quan trọng, bên cạnh phân tích dữ liệu và video như là Audio Podcast…
Tuy nhiên, chỉ có 34% thì rất lạc quan rằng AI tạo sinh sẽ mang lại cơ hội cho họ,có 8% thì hoàn toàn không lạc quan chút nào. Tuy nhiên, có 67% các cơ quan cho rằng là không được chuẩn bị tốt để đón bắt những cơ hội mà AI mang lại.
Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ: Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu báo chí Reuters thì có đến khoảng gần 50% các cơ quan báo chí hàng đầu ở 10 quốc gia giờ đây đã chặn không cho OpenAI truy cập vào các trang tin của nó nữa.
Liên minh truyền thông tin tức đại diện cho khoảng 2000 cơ quan báo chí trên toàn thế giới thì cũng đã xây dựng những bộ nguyên tắc. Yêu cầu việc sử dụng phát triển AI phải có những cái quy chế, cái quy định luật lệ để bảo vệ các cơ quan báo chí.
“Lâu nay báo chí là sự thật, báo chí đưa lên thì của người tin thế, còn những cái điều sai trái, nói dối người ta không tin. Tuy nhiên, đáng sợ nhất là “họ không tin vào cái gì cả” vì không biết đâu là đúng, sai, thì đây là điều vô cùng nguy hại. “Điều này đòi hỏi chúng ta bây giờ phải hành động. Hành động hay là chết” nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Nói về những đổi mới sáng tạo trong báo chí truyền thông toàn cầu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, chúng ta đã mắc một sai lầm rất lớn là báo chí cho nội dung miễn phí lên internet. “Bây giờ sai lầm này không thể nào cứu chữa được”.
Nói về những giải pháp cho cơ quan báo chí trong thời gian tới, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, giờ đây chúng ta cần phải thúc đẩy để có những quy định về mặt pháp lý để bảo vệ bản quyền của báo chí. Hiện đã có Getty Images cấm OpenAI không được sử dụng kho hình ảnh của họ. Vì AI lấy từ hàng triệu hình ảnh họ để tạo ra một cái hình ảnh mới thì lúc đấy chúng ta không thể nào mà kiểm soát được.
“Mỗi cơ quan báo chí hãy tìm ra phân khúc, phần sức mạnh của mình, để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Nhìn chung không có cái mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng mà nếu biết tận dụng cái phân khúc của mình thì sẽ rất hiệu quả. Báo chí nên quay trở lại với cái bản chất ban đầu đó là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, phải gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp” nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình, đồng thời đề xuất các giải pháp sáng tạo để ngành báo chí có thể tiến xa hơn trong thời đại số hóa.
Các đại biểu cũng chia sẻ những câu chuyện về cách công nghệ đang tác động tới báo chí, đi sâu phân tích những xu hướng công nghệ mới và tiềm năng của Trí tuệ Nhân tạo trong tương lai của ngành báo chí và truyền thông…
Đại diện Ban tổ chức, bà Lê Mai Anh, Giám đốc Điều hành Global PR Hub, chia sẻ: Chúng tôi hi vọng đây sẽ là cơ hội quý báu để các nhà lãnh đạo và chuyên gia trong ngành báo chí và truyền thông tại Việt Nam cùng nhau ngồi lại để tìm ra những cơ hội và giải pháp mới trong thời đại của trí tuệ nhân tạo và công nghệ, kết nối tới khán giả một cách hiệu quả hơn.