Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo và Công luận về nội dung cũng như những kỳ vọng về Diễn đàn nghề nghiệp đang rất được chú ý này.
Chúng tôi chọn lựa những vấn đề cấp thiết nhất
+ Được biết, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc sẽ dành chủ yếu thời lượng để thảo luận về những vấn đề “nóng” nhất của đời sống báo chí hiện nay. Điều này cho thấy Hội Nhà báo Việt Nam đã bám rất sát những diễn biến của đời sống báo chí. Là người đưa ra ý tưởng và chỉ đạo thực hiện, Chủ tịch kỳ vọng điều gì về sự kiện lần này?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Qua thời gian dài theo dõi, chúng tôi nhận thấy một số điểm bất cập của báo chí Việt Nam là thiếu các dữ liệu đo lường, thống kê cụ thể về hoạt động của các cơ quan báo chí, hầu hết các cơ quan báo chí có quy mô nhỏ và vừa nên không đủ nguồn lực nghiên cứu những xu hướng mới mẻ của thế giới, và cũng không có điều kiện để thử nghiệm những cách làm mới. Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo mỗi năm, rất nhiều khóa đào tạo do Hội Nhà báo Việt Nam cũng như Hội Nhà báo địa phương, các Liên Chi hội và Chi hội nhà báo tổ chức, chỉ ra được nhiều khó khăn mà báo chí đang vấp phải, gợi mở nhiều hướng đi nhưng không có nhiều cơ quan báo chí thực sự tạo ra thay đổi đột phá cho chính mình. Năm nào tại các Hội Báo Toàn quốc cũng có những cuộc tọa đàm, những phiên thảo luận ý nghĩa, nhưng thường là những sáng kiến đơn lẻ của các đơn vị trực thuộc.
Năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam nhận thấy phải thay đổi cách thức tổ chức để mọi hoạt động mang tính tổng thể, quy chuẩn hội nghị phải mang tầm quốc tế, và phải tranh thủ sự có mặt đông đảo của lãnh đạo báo chí cả nước để trao đổi, thảo luận những vấn đề vĩ mô, về nhiều lĩnh vực, nhiều thách thức cũng như cơ hội của báo chí trong thời kỳ mới. Trong số các diễn giả tham gia Diễn đàn Báo chí Toàn quốc không chỉ có những chuyên gia về báo chí – truyền thông mà cả những lĩnh vực về quản lý nhà nước, công nghệ, kinh doanh, bảo vệ bản quyền, có cả chuyên gia trong nước và nước ngoài. Thậm chí có một phiên rất đặc biệt, lần đầu tiên đại diện báo chí, doanh nghiệp và các công ty quảng cáo ngồi lại với nhau để bàn luận về khả năng hợp tác thúc đẩy quảng bá thương hiệu và hỗ trợ báo chí. Tôi nghĩ cách tổ chức hội nghị chuyên nghiệp như thế này chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho những người tham gia.
+ Như ông chia sẻ, Diễn đàn sẽ là một sự kiện quan trọng để lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm báo tìm ra những hướng đi, cách thức khai thác mới cho báo chí hiện đại, duy trì vị thế tiên phong của báo chí và đảm bảo phát triển bền vững…Thưa Chủ tịch, vì sao trong bối cảnh báo chí hiện nay, mục tiêu này cần được đặt ra? Vì sao báo chí đang thực sự cần hướng đi, cách thức mới trước thềm kỉ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Hiện tại đang là thời điểm vô cùng khó khăn của báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam do sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng, lại thêm cả sự phát triển tràn lan của thông tin giả, thông tin sai lệch khiến cho niềm tin của xã hội đối với báo chí bị giảm sút, trong khi đó nguồn thu quảng cáo càng ngày càng sụt giảm với mọi loại hình báo chí, kể cả điện tử. Báo chí mang lại thông tin hữu ích cho xã hội, nhưng vai trò quan trọng và sức mạnh hàng trăm năm qua đang bị đe dọa bởi những biến chuyển liên tục, đặc biệt trong khoảng 1 thập niên trở lại đây. Nếu báo chí không thích ứng với tình hình thực tế, không đổi mới và đổi mới liên tục thì sẽ bị suy giảm vị thế, mà với báo chí cách mạng mang trên mình sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, thì điều này là không thể chấp nhận được. Hướng tới dấu mốc 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm phải tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, phải giúp cho báo chí cách mạng duy trì vị trí của mình bằng những cách làm chủ động và hiệu quả, thúc đẩy sự năng động của các cơ quan báo chí thuộc mọi loại hình, kêu gọi sự hợp tác của doanh nghiệp.
+ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024 sẽ có tới 12 phiên họp trong đó có 10 phiên thảo luận về nhiều vấn đề xoay quanh các nội dung gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí trong bối cảnh có rất nhiều thách thức cũng như cơ hội mới… Những vấn đề “nóng” nhất được bàn thảo trong các phiên họp sẽ là gì, thưa ông?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Ngoài hai phiên toàn thể khai mạc và bế mạc với những tổng kết mang tính khái quát và vĩ mô thì 10 phiên thảo luận còn lại đều đề cập đến những vấn đề hết sức cấp bách của báo chí Việt Nam. Từ việc nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, những thách thức với phát thanh và truyền hình, cho đến việc đầu tư công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đa dạng hóa nguồn thu, hoặc việc bảo vệ bản quyền mang tính sống còn cho báo chí. Tất nhiên còn nhiều chủ đề quan trọng khác nhưng trong khuôn khổ của Diễn đàn thì chúng tôi chọn lựa những vấn đề cấp thiết nhất. Xin lưu ý là để tổ chức sự kiện này, Hội Nhà báo Việt Nam (VJA), Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Cục Báo chí và Cục Phát thanh – Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp thực hiện, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) là đơn vị trực tiếp triển khai một cuộc khảo sát với quy mô lớn chưa từng thấy về “sức khỏe” của báo chí Việt Nam. Sẽ có rất nhiều dữ liệu thú vị được trình bày, và các cơ quan báo chí có thể thấy mình đang ở đâu, đang có những lợi thế nào và cần phải đi theo hướng nào.
Mong rằng các cơ quan báo chí chủ động và mạnh dạn thử nghiệm để tìm ra con đường riêng cho mình
+ Tại Diễn đàn lần này, sự hiện diện của rất nhiều các lãnh đạo cơ quan báo chí, các nhà báo, các chuyên gia truyền thông nổi tiếng trong và ngoài nước, các doanh nghiệp…trong vai trò Điều phối và Diễn giả của sự kiện là cách “thiết kế chương trình” rất thú vị. Điều này vừa cho thấy vai trò kết nối hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam, vừa thể hiện tinh thần “đoàn kết”, chung sức của các cơ quan, đơn vị đối với sự phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, thưa ông?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Chúng tôi tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn báo chí quốc tế và nhận thấy cách tổ chức này rất chuyên nghiệp và hiệu quả, quy tụ được nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, tạo ra bầu không khí trao đổi mang tính chuyên môn cao nhưng gần gũi và thân thiện. Vẫn có những bài tham luận, thuyết trình chuyên sâu và có cả phần trao đổi theo hướng tọa đàm để nói được nhiều khía cạnh, nhiều nội dung, và thậm chí tăng được sự tương tác với người nghe tại hội trường. Dẫn dắt các phiên thảo luận đều là những nhà báo, những chuyên gia tên tuổi, và chính họ cùng với Ban Tổ chức đã chọn lựa ra các diễn giả của từng phiên sao cho thật phù hợp với chủ đề và kinh nghiệm cá nhân, đồng thời lại có sự đa dạng của các cơ quan báo chí với quy mô khác nhau, các vùng miền khác nhau. Chúng tôi tin rằng nội dung của các phiên thảo luận rất chất lượng.
+ Chúng ta đang trải qua những tháng đầu tiên của năm 2024 được dự đoán sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều diễn biến khó đoán định. Triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, mối đe dọa ngày càng quyết liệt của ChatGPT, công nghệ AI… đang ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể xã hội nói chung, người làm báo nói riêng. Vậy thưa Chủ tịch, với những câu chuyện tại Diễn đàn này, các cơ quan báo chí, từng người làm báo cần phải “bắt nhịp” như thế nào để ứng dụng hiệu quả, vượt thách thức và nắm bắt cơ hội cho hành trình mới?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Khó khăn, thách thức thì thời kỳ nào cũng có, và quan trọng hơn là nhìn ra được những cơ hội nào để mỗi cơ quan báo chí, dù là ở Trung ương hay địa phương, dù với quy mô lớn hay quy mô nhỏ đều có thể tìm ra hướng đi cho riêng mình. Không có giải pháp nào đúng với mọi đơn vị, nhưng cũng không có giải pháp nào là không phù hợp nếu không mạnh dạn thử nghiệm và thậm chí chấp nhận sai lầm. Có quan điểm khá phổ biến trên thế giới là đi họp, đi dự hội nghị để học hỏi lẫn nhau, thậm chí người ta khuyến khích “tranh thủ ý tưởng” của nhau. Tất nhiên, “tranh thủ ý tưởng” ở đây không có nghĩa là sao chép, mà là nhân rộng và có sáng tạo riêng. Sẽ có những ý tưởng mà không ai có thể bắt chước được nhưng vẫn cần tìm hiểu, sẽ có những sáng tạo tưởng chừng chỉ phù hợp với một cơ quan báo chí cụ thể nhưng thực tế vẫn là bài học hữu ích cho nhiều cơ quan báo chí khác. Và thậm chí có những sản phẩm báo chí được học hỏi thì rốt cục còn thú vị hơn cả ý tưởng gốc. Không đi thì không thành đường, không thử sức thì không thể biết ưu thế của mình là gì. Chúng tôi mong rằng qua những diễn đàn, hội thảo như thế này, các cơ quan báo chí chủ động và mạnh dạn thử nghiệm để tìm ra con đường riêng cho mình đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
+ Trân trọng cảm ơn nhà báo Lê Quốc Minh!
Hà Vân (thực hiện)