Ngày 21/4 (nhằm mùng 10/3 âm lịch), tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Vua Hùng (nằm trên tuyến QL63, ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình).
Từ sáng sớm, lãnh đạo tỉnh Cà Mau, UBND huyện Thới Bình cùng đông đảo nhân dân địa phương trong và ngoài tỉnh đã tập trung về đền thờ để dâng hương, hoa tưởng nhớ tổ tiên, ghi tạc công đức cao dày của các Vua Hùng đã khai phá cơ đồ.
Tại lễ Giỗ Tổ, nghi thức lễ rước Vua Hùng được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính với đầy đủ cờ, quân phù giá, chiêng, trống…
Kiệu vật phẩm dâng lên các vị Vua Hùng là những lễ vật dân dã do bà con địa phương tự làm ra như: Bánh chưng, bánh dày, mâm ngũ quả, hoa tươi,…
Điểm đặc biệt năm nay là trong khuôn khổ “Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ tỉnh Cà Mau 2021”, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã chọn 9 mâm bánh dân gian của các nghệ nhân để dâng lên bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương là xôi vị, bánh phu thê, bánh bò, bánh ít, bánh ít trần…
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau cho biết, Đền thờ Vua Hùng là nơi để tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc.
Ngày Quốc giỗ Hùng Vương là dịp để các dân tộc trên đất nước Việt Nam nhắc nhau về lòng yêu nước, tình đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau theo nghĩa đồng bào, như anh em ruột thịt từ một bào thai mà ra.
Đó cũng là ngày chúng ta hiểu sâu sắc thêm lời Bác Hồ căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trải qua hơn 150 năm, Đền thờ Vua Hùng tại Cà Mau càng được nhiều người biết đến. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương (ngày mùng 10/3 Âm lịch) hàng nghìn người dân đến đây để dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng đã có công dựng nước.
Thắp hương tưởng nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Năm 2006 với sự vận động của Ban quản lý Đền Hùng, được sự ủng hộ của các nhà tài trợ và nhân dân địa phương trong xã, ngôi đền đã được xây dựng kiên cố, khang trang (diện tích hơn 2.000m2) như hiện nay. Năm 2011, Đền thờ Vua Hùng được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.