Trong giai đoạn 2021 – 2023, nhiều mô hình giảm nghèo ở các hội đoàn thể, như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh đã hỗ trợ cho hơn 4.270 người nghèo trên địa bàn thành phố tham gia giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Trong đó, có thể kể đến mô hình “Tổ góp vốn xoay vòng”; mô hình “Không đồng”; mô hình “Giúp nhau lập nghiệp”; “Mẹ đỡ đầu” hay mô hình “Chăm sóc nhà cho bạn”; “Tổ liên kết giúp việc gia đình theo giờ”… do Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn thành phố triển khai.
Hội Nông dân cũng được biết đến với mô hình “Trồng và cung cấp rau sạch”; mô hình “100 ngày tiết kiệm vì hội viên nông dân nghèo, khó khăn” hay mô hình “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Hội Cựu Chiến binh với mô hình “Vận động nguồn lực giúp hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo”; mô hình “Tình đồng đội, đồng chí”…
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn thành phố còn triển khai đến khu dân cư các mô hình “Mỗi chi bộ giúp đỡ 1 hộ thoát nghèo bền vững” (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ); mô hình “Mỗi khu dân cư giúp đỡ 1 hộ thoát nghèo bền vững” (phường Hoà An, Cẩm Lệ); “Địa chỉ hồng” quận Thanh Khê… Qua đó, đã vận động các đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo về phương tiện sản xuất kinh doanh, sinh kế phục vụ giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2023 trên địa bàn.
Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành và triển khai thực hiện. Các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo đã được giải quyết kịp thời; các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo… đã tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Tính đến cuối năm 2023, toàn thành phố còn hơn 4.000 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,39% (trong đó, có 900 hộ nghèo còn sức lao động chuẩn Trung ương, chiếm tỷ lệ 0,3%). Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, giai đoạn 2024 – 2025.
TP. Đà Nẵng phấn đấu giảm 100% hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố vào cuối năm 2025; bảo đảm 100% người thuộc hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hỗ trợ khi gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.