Nhiều người chỉ nhận ra rằng việc nuôi dạy con cái rất vất vả, khó khăn cho đến khi họ trở thành cha mẹ. Không chỉ chịu trách nhiệm về chế độ ăn, giờ ngủ nghỉ của trẻ mà còn phải chơi với trẻ, dạy trẻ mọi kỹ năng sống, nuôi dạy trẻ thông minh và khỏe mạnh.
Thông thường trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết các công việc chăm sóc con cái đều do mẹ và bà đảm nhiệm trong khi trụ cột gia đình là người bố ra ngoài kiếm tiền để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các ông bố chăm con tốt hơn, tại sao lại như vậy?
Một nghiên cứu kéo dài 12 năm của Đại học Harvard của Mỹ cũng cho thấy những đứa trẻ được cha nuôi dạy có chỉ số IQ cao hơn. Ngay cả trong những gia đình đơn thân, trẻ do người bố nuôi dạy cũng có sự phát triển về thể chất và tinh thần tốt hơn. Từ đó có thể thấy, những đứa trẻ được bố nuôi dạy vẫn có ưu thế về thể chất lẫn tinh thần so với người mẹ.
Một nghiên cứu khác theo dõi kéo dài 15 năm được thực hiện bởi Đại học Yale cho thấy những đứa trẻ được người bố nuôi dưỡng có nhiều khả năng khỏe mạnh, thông minh, thành công trong học tập và xã hội hơn so với những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi mẹ và bà.
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt này?
Khi tương tác với đứa trẻ, bố sẽ giúp chúng tăng tư duy giáo dục
Trẻ được nuôi dạy bằng các hoạt động mang tính giáo dục như đọc sách, giúp tạo lợi thế phát triển ở các năm học đầu đời. Và theo cách đó, các ông bố sẽ giúp chúng học tốt hơn ở tuổi lên ba và lên năm. Ở giai đoạn 7 tuổi, nhờ những hoạt động làm cùng với bố, trẻ sẽ phát huy bản thân tối đa. Điều này được kiểm chứng qua chương trình giảng dạy toàn quốc của trẻ em Anh.
Nghiên cứu cũng cho thấy những tác động tích cực này là đúng trong hầu hết các trường hợp, bất kể giới tính, chủng tộc hoặc hoàn cảnh gia đình.
Đại học Leeds cùng chuyên gia nghiên cứu của các tổ chức khác ở Anh đã phân tích dữ liệu từ cuộc khảo sát 5.000 gia đình có cả bố và mẹ, dựa trên các hoạt động trong nhà và ngoài trời mà họ cùng tham gia với con cái. Ví dụ như đọc sách, kể chuyện, vẽ tranh, hát làm đồ thủ công. Báo cáo đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến sự tác động của bố rất quan trọng.
Trẻ có bố lẫn mẹ cùng tham gia thay vì một sẽ được tiếp xúc với nhiều thứ khác nhau, thúc đẩy chúng phát triển theo những cách khác biệt. Nghiên cứu lý giải rằng các ông bố và bà mẹ có cách cư xử và phong cách khác nhau để dạy con.
“Khi tương tác với đứa trẻ, bố sẽ giúp chúng tăng tư duy giáo dục trong khi mẹ sẽ hướng về hành vi nhận thức”, báo cáo nêu. Sự đồng hành của người mẹ giúp trẻ giảm sự hiếu động thái quá, nâng cao kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức hành vi ứng xử.
Người cha có thể lực tốt, nhiều năng lượng và tinh thần mạo hiểm hơn
So với những bà mẹ dịu dàng, tinh tế, thận trọng thì những ông bố hầu hết có tính táo bạo, ưa mạo hiểm hơn. Một điểm dễ dàng nhận thấy là khi cho con đi chơi ở công viên, các bà mẹ thường để con ở mặt đất phẳng. Trong khi đó, các ông bố sẵn sàng để con chạy nhảy đuổi bắt, leo trèo khắp nơi.
Đây đều là hoạt động rất tốt cho đứa trẻ, giúp trẻ có thể lực tốt và luôn tràn đầy năng lượng. Hơn thế, các bài tập sẽ kích thích hệ thống thần kinh trung ương của não bộ. Từ đó ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của trẻ. Những đứa trẻ yêu thích thể thao thường hướng ngoại hơn, có chỉ số IQ và EQ cao hơn.
Trẻ sẽ được trang bị nhiều kiến thức thực tế hơn từ người bố
Một chuyên gia nổi tiếng về tâm lý học quốc gia cho rằng, về mặt giáo dục, hầu hết các ông bố đều hiểu biết và nhìn xa trông rộng hơn các bà mẹ. Họ có thể kể những câu chuyện, văn hóa, lịch sử và triết học cho con cái của họ từ thời thơ ấu và họ có nhiều khả năng xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân hơn.
Hơn hết, khi giáo dục con cái, người bố sẽ để trẻ quan sát và bắt chước theo. Chính nhờ điều này mà trẻ sẽ hứng thú hơn với việc nạp thông tin và kiến thức.
Trẻ được bố nuôi dạy sẽ độc lập hơn
Phụ nữ thường có xu hướng chăm con kỹ quá mức, hay lo sợ con mình thiệt thòi so với những đứa trẻ khác nên bất cứ khi nào chúng có yêu cầu, liền đáp ứng ngay. Họ luôn yêu thương và chiều chuộng trẻ nhưng điều này khiến con hình thành tính cách ỷ lại, khó có thể sống tự lập sau này.
Ngược lại, hình ảnh người bố, người cha trong mắt con cái thường độc lập và mạnh mẽ nên điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến con cái. Dưới cách nuôi dưỡng của người bố, con cái cũng tự lập hơn và ít có tư tưởng dựa dẫm vào người khác. Người bố thường vẫn để con mình tự giải quyết vấn đề của bản thân một cách độc lập, ít hay chiều chuộng con cái vô tội vạ.
Và đối với những người bố, tự lập không chỉ là một cách ứng xử mà hơn thế nữa đã trở thành tính cách của họ, nếu trẻ học được điều này sẽ có ích khi trưởng thành. Tính cách độc lập ở một đứa trẻ chắc chắn sẽ tạo thành khoảng cách rất lớn so với những đứa trẻ khác. Tinh thần thích khám phá và giải quyết vấn đề của chúng sẽ mạnh mẽ hơn nên sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
Bởi vậy, bà Helen Norman, người đứng đầu nghiên cứu, khuyến khích công việc này nên được phân chia cho cả hai, thay vì chỉ dành riêng cho mẹ.
“Người mẹ thường đảm nhận vai trò chăm sóc chính nhưng bố cũng nên tích cực tham gia. Điều đó sẽ làm tăng đáng kể khả năng trẻ đạt thành tích tốt ở trường tiểu học”, bà nói.
Nhà nghiên cứu khuyên các ông bố chia sẻ việc chăm sóc con cái ngay từ giai đoạn đầu đời của đứa trẻ. Họ sẽ thúc đẩy được tối đa sự phát triển tích cực của con cái.
Điều này cũng bao gồm việc bố mẹ chia nhỏ việc chăm sóc trẻ để đảm bảo rằng cả hai đều dành thời gian cùng trẻ vui chơi và tham gia các hoạt động tư duy, thay vì chỉ hỗ trợ chúng học.
Các chuyên gia cho rằng việc này tuy đơn giản nhưng sẽ tốn nhiều thời gian. Trên thực tế, nếu họ chịu bỏ thêm 10 phút mỗi ngày cho con cũng đã tạo ra sự khác biệt.
Cuối cùng, chuyên gia cũng khuyến khích các ông bố có kết nối tốt với trường học của con mình như cách mà mẹ chúng làm. Họ nên gửi thông tin liên lạc chi tiết để nhà trường có thể liên hệ với bất kỳ phụ huynh nào lúc cần thiết.
6 câu bố mẹ nên nói với con mỗi ngày