Đau thắt lưng, đau ở vùng từ xương sườn thấp đến nếp mông, là tình trạng thường gặp và một trong các nguyên nhân dẫn đến mất khả năng làm việc ở người trưởng thành.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Phối Hiền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3.
Nguyên nhân
Đau thắt lưng thường do các bệnh lý tại cột sống hoặc cơ và dây chằng cạnh sống. Trong hầu hết trường hợp, đau lưng có nguyên nhân cơ học, trong đó thường gặp nhất là thoái hóa cột sống thắt lưng.
– Đau lưng không đặc hiệu (đau lưng căng cơ, bong gân thắt lưng): Thường khởi phát sau chấn thương như nâng vật nặng hoặc cử động xoay vặn người.
– Thoái hóa cột sống.
– Thoát vị đĩa đệm.
– Trượt đốt sống.
– Hẹp ống sống.
– Tăng tạo xương vô căn lan tỏa: Đặc trưng bởi tình trạng canxi hóa và cốt hóa các dây chằng, điểm bám gân cạnh sống.
– U tân sinh: Ở một số bệnh nhân khối u có thể chèn ép gây bệnh rễ thắt lưng hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa.
– Nhiễm trùng: Viêm thân sống đĩa đệm nhiễm trùng, áp xe ngoài màng cứng cũng có thể gây bệnh rễ thần kinh hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa.
– Viêm: Nhóm bệnh viêm cột sống gây đau lưng.
– Loãng xương và các bệnh xương khác.
– Đau quy chiếu: Một số bệnh lý mạch máu, tiêu hóa, niệu dục, sau phúc mạc đôi khi cũng gây đau lưng.
Biểu hiện lâm sàng
– Đau lưng:
* Đau lưng kiểu cơ học: Do bất thường về giải phẫu học hoặc chức năng của cột sống, không do các bệnh lý viêm hoặc ác tính. Cơn đau thường nặng hơn khi vận động và đứng hoặc ngồi, giảm khi nghỉ và nằm (95%).
* Đau lưng kiểu viêm: Thường gặp trong các bệnh lý viêm cột sống, nam giới dưới 40 tuổi. Cơn đau kèm cứng cột sống lúc mới thức dậy, kéo dài trên 30 phút, đau nặng hơn lúc nửa đêm về sáng. Tình trạng này cải thiện khi vận động nhưng không giảm khi nghỉ ngơi.
– Đau thần kinh tọa: Là một hội chứng biểu hiện cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài hoặc sau đùi, mặt ngoài hoặc sau cẳng chân, mắt cá ngoài, gót chân và tận các ngón chân.
Hậu quả
Tùy theo nguyên nhân có thể có những hậu quả khác nhau:
– Giới hạn vận động cột sống.
– Mất, giảm khả năng làm việc.
– Đau kéo dài.
– Hội chứng chèn ép chùm đuôi ngựa.
– Yếu chân tiến triển.
– Teo cơ.
Đặc điểm
– Đau thắt lưng có thể kèm hoặc không kèm đau thần kinh tọa.
– Tùy nguyên nhân mà điều trị có khỏi hoàn toàn hay không.
* Đau lưng cấp: Tiên lượng thường rất tốt, hơn 90% sẽ phục hồi dưới 8 tuần điều trị.
* Đau lưng mạn: Nhiều bệnh nhân đau lưng mạn vẫn duy trì chức năng vận động và có thể làm việc bình thường, nhưng thường không hết đau hoàn toàn.
Điều trị
– Y học hiện đại: Điều trị triệu chứng bằng cách dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ, phẫu thuật trong trường hợp hội chứng chèn ép chùm đuôi ngựa, yếu chân tiến triển, teo cơ, không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 6-8 tuần.
– Y học cổ truyền: Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và các biểu hiện lâm sàng, tùy từng hội chứng bệnh trên từng cá nhân cụ thể, sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
* Dùng thuốc: Đông y sử dụng các vị thuốc khu phong, tán hàn, trừ thấp, hành khí hoạt huyết, bổ can thận như bài Độc hoạt tang ký sinh thang, Thân thống trục ứ thang, Ý dĩ nhân thang hợp với Nhị diệu tán…
* Không dùng thuốc: Châm cứu (hào châm, điện châm, nhĩ châm, cấy chỉ, laser châm, thủy châm), xoa bóp…
Dự phòng
– Giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi ngồi lâu, đứng lâu, có thể mang đai lưng hỗ trợ.
– Tránh bị nhiễm lạnh, ẩm thấp kéo dài.
– Tránh các động tác đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng.
– Luyện tập bơi lội hoặc yoga để tăng sức bền của khối cơ lưng.
– Điều trị kịp thời các bệnh thoái hóa cột sống để phòng bệnh do đau thần kinh tọa.
Mỹ Ý