Thời gian tới, Phú Yên tập trung huy động các nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm nâng cấp các đô thị hiện hữu và hình thành các đô thị mới, phù hợp với Chương trình Phát triển đô thị tỉnh cũng như Kế hoạch Phân loại đô thị toàn quốc.
Tốc độ đô thị hoá nhanh
Theo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 9 đô thị, gồm TP. Tuy Hòa (đô thị loại II); thị xã Sông Cầu (đô thị loại III); thị xã Đông Hòa (đô thị loại IV) trực thuộc tỉnh; cùng 6 đô thị loại V: thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) và thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An).
Trong những năm qua, tốc độ đô thị hoá của Phú Yên diễn ra khá nhanh, đồng bộ với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh này. Nếu năm 2005, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh mới đạt 20,54%; năm 2015 đạt 31,2%; thì đến năm 2022, tỷ lệ này đạt 41,5%.
Ông Trần Xuân Túc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết: “Tốc độ đô thị hóa của tỉnh Phú Yên tăng dần theo các năm. Điều này thể hiện sức hấp dẫn và khả năng phát triển các đô thị của tỉnh trong bối cảnh đô thị hóa với tốc độ cao của Vùng duyên hải Nam Trung bộ”.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Phú Yên sẽ có 18 đô thị, gồm một đô thị loại I (TP. Tuy Hòa); một đô thị loại II (TP. Sông Cầu); một đô thị loại III (thị xã Đông Hòa); 6 đô thị loại IV (Củng Sơn, Phú Thứ, Tuy An, La Hai, Hai Riêng, Phú Hòa); 9 đô thị loại V (Tân Lập, Sơn Long, Sơn Thành Đông, Hòa Trị, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Trà Kê – Sơn Hội, Hòa Mỹ Đông, Phong Niên). Trong đó, đô thị Tuy Hòa sẽ là đô thị hạt nhân, trung tâm động lực tổng hợp toàn tỉnh; đô thị Sông Cầu là trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh, là thành phố du lịch của vùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mạng lưới đô thị của tỉnh Phú Yên hiện nay phân bố tương đối hợp lý và phù hợp với đặc điểm tự nhiên, tập quán sinh sống của người dân. Trong đó, các đô thị phát triển theo đúng tiềm năng, lợi thế sẵn có và định hướng chung của quy hoạch tỉnh, hình thành nên trục phát triển đô thị dọc Quốc lộ 1A, gồm Sông Cầu – Chí Thạnh – Tuy Hòa – Đông Hòa; trục phát triển đô thị dọc Quốc lộ 25, gồm Tuy Hòa – Phú Hòa – Củng Sơn; trục phát triển đô thị dọc Quốc lộ 29, gồm Đông Hòa – Phú Thứ – Hai Riêng.
Được biết, trong Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển đô thị của Phú Yên là đến năm 2030, xây dựng Phú Yên có chuỗi đô thị ven biển, cơ bản trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, năng động và đa dạng, là tỉnh phát triển thuộc nhóm trên của các tỉnh có thu nhập trung bình cao của cả nước.
Quy hoạch cũng xác định phương án phát triển hệ thống đô thị Phú Yên. Đó là phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, tạo sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng. Tập trung, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đô thị phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, có bản sắc, bảo đảm phát triển bền vững… Xây dựng từng đô thị trở thành trung tâm, đầu tàu phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của từng huyện, từng vùng và cả tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Phú Yên đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50%.
“Trong tương lai, các khu vực lân cận TP. Tuy Hòa ở phía Tây (đô thị Phú Hòa, đô thị Phong Niên), các đô thị phía Bắc (đô thị Chí Thạnh, đô thị Sông Cầu) và phía Nam (đô thị Đông Hòa) sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, để trở thành các đô thị vệ tinh hỗ trợ cho đô thị Tuy Hòa, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tạo sự kết nối để phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại dịch vụ… gắn với kinh tế biển. Để đạt được mục tiêu theo định hướng trên, tỉnh sẽ cố gắng tập trung dành nguồn lực đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị lân cận để kết nối hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ giữa đô thị Tuy Hòa với các đô thị xung quanh. Đồng thời, kêu gọi đầu tư tất cả các lĩnh vực để phát triển đô thị nói riêng và cả tỉnh nói chung”, ông Trần Xuân Túc cho biết.
Tập trung huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư
Hiện nay, Phú Yên được đánh giá là có tốc độ đô thị hoá nhanh, đặc biệt là đô thị trung tâm Tuy Hoà. Bên cạnh chính sách phát triển hợp lý của tỉnh, thì vai trò của các nhà đầu tư cũng là một yếu tố góp phần kích thích và thúc đẩy quá trình phát triển hệ thống đô thị thông qua các dự án đầu tư.
Trong những năm gần đây, Phú Yên ghi nhận nhiều dự án mới trong lĩnh vực hạ tầng đô thị đến từ một số nhà đầu tư lớn như TNR, APEC, Vingroup, Đất Xanh Miền Trung…
Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 dự án phát triển nhà ở đã và đang triển khai. Trong đó, có 9 dự án thuộc địa bàn TP. Tuy Hòa, gồm: Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương (393 nhà liên kế); Khu thương mại – dịch vụ và shophouse tại Đại lộ Hùng Vương, phường 7 (72 nhà liên kế); Tòa nhà hỗn hợp The Light Phú Yên (176 căn chung cư); Khu nhà ở phía Đông đường Hùng Vương (58 nhà liên kế); Khu công trình hỗn hợp 77-79 Nguyễn Du; Khu nhà ở tại Lô đất số 1, phía Đông đường Hùng Vương (112 nhà liên kế); Khu nhà ở tại Lô đất số 2, phía Đông đường Hùng Vương (120 nhà liên kế); Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía Nam đường N3, đường Hùng Vương (64 nhà liên kế); Khu nhà ở tại Lô đất số 3, phía Đông đường Hùng Vương (94 nhà liên kế).
Hai dự án khác nằm ngoài TP. Tuy Hoà gồm Khu dân cư Phố chợ Hòa Vinh tại huyện Đông Hòa (387 nhà liên kế) và Khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu (khu A) tại thị xã Sông Cầu (466 lô đất nền nhà phố, biệt thự).
Bên cạnh đó, có 4 dự án đang lập thủ tục đầu tư, gồm Khu dân cư phía Tây đường Lê Duẩn, xã An Phú (TP. Tuy Hoà); Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía Bắc đường N3, đường Hùng Vương (TP. Tuy Hoà); Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp số 296 – Trần Hưng Đạo, phường 6 (TP. Tuy Hoà) và Khu đô thị mới Ánh Dương (huyện Tuy An).
Theo Kế hoạch Phát triển nhà ở tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 559 dự án. Trong đó, có 513 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu nhà ở, khép kín khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư; 18 dự án nhà ở xã hội; 28 dự án nhà ở tái định cư (giao đất cho các hộ dân tự xây dựng nhà ở).
Tổng diện tích đất được sử dụng để xây dựng nhà ở cần phải bố trí trong giai đoạn trên là hơn 796 ha, với tổng nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 hơn 77.300 tỷ đồng.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống đô thị Phú Yên sẽ được chia thành 3 cực phát triển chính.
Trong đó, cực phát triển đô thị ven biển gồm TP. Tuy Hòa mở rộng về phía Nam (đô thị biển, trung tâm vùng tỉnh), thị xã Sông Cầu, đô thị Tuy An, phát triển kết hợp với khu Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).
Cực phát triển đô thị miền núi gồm thị trấn La Hai, đô thị Xuân Lãnh, đô thị Xuân Phước (huyện Đồng Xuân); thị trấn Củng Sơn – đô thị trung tâm tiểu vùng, đô thị Sơn Long – đô thị sinh thái của vùng cao nguyên Vân Hòa, đô thị Trà Kê – Sơn Hội (huyện Sơn Hòa); thị trấn Hai Riêng, đô thị Tân Lập (huyện Sông Hinh); phát triển kết nối với vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk).
Cực phát triển đô thị bán sơn địa gồm thị trấn Phú Hòa, đô thị Phong Niên, đô thị Hòa Trị (huyện Phú Hòa); thị trấn Phú Thứ, đô thị Sơn Thành Đông, đô thị Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa).
Cũng theo ông Lê Tấn Hổ, nhằm hiện thực hoá các mục tiêu phát triển đô thị, thời gian tới, tỉnh Phú Yên sẽ huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư để hình thành chuỗi đô thị ven biển với trung tâm là TP. Tuy Hòa mở rộng về phía Nam.
“Giai đoạn 2021-2030, Phú Yên tập trung huy động các nguồn lực để nâng cấp các đô thị hiện hữu và hình thành các đô thị mới phù hợp với Chương trình Phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, cũng như phù hợp với Kế hoạch Phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt”, ông Hổ cho hay.