Tối 10/3 (giờ địa phương), ngay sau khi tới Thủ đô Wellington của New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ rất thân tình với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại nước này.
“Còn ai còn ý kiến nào nữa không?” là câu hỏi được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam liên tục nhắc lại để khuyến khích bà con kiều bào phát biểu ý kiến. Cũng chính vì vậy, dù thời gian cuộc gặp đã kéo dài hơn dự kiến, những cánh tay vẫn không ngừng giơ lên phía cuối hội trường với mong muốn được chia sẻ các vấn đề với Thủ tướng.
Kiều bào muốn đưa nông sản Việt vào New Zealand
Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Wellington, kiến nghị Chính phủ tăng cường giao lưu văn hóa và con người giữa hai đất nước, đồng thời mong Đảng, Nhà nước có các chính sách tạo thuận lợi cho bà con người ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước, đóng góp cho phát triển khu vực.
Chị Huỳnh Thị Diễm Thúy, đại diện nữ doanh nhân ở Wellington, chia sẻ nút thắt về việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang New Zealand. Chị Thúy cho biết phía nước bạn rất ngặt nghèo về tiêu chuẩn hàng nhập khẩu nên mong các cơ quan liên quan thúc đẩy thực hiện thỏa thuận cấp cao, có chương trình quảng bá hàng Việt Nam tại New Zealand.
Chị Thúy cũng đề nghị Thương vụ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu nhiều loại nông sản để xuất vào New Zealand. “Đến nay, trái bưởi da xanh của Việt Nam là mặt hàng thành công nhất trong các loại nông sản, trái cây nhập khẩu vào nước này khi được bán ở các siêu thị”, chị Thúy đề xuất cần tập trung phát triển một số loại hoa quả để phục vụ thị trường truyền thống tại quốc gia này.
Đặt một câu hỏi cho người đứng đầu Chính phủ, sinh viên Phạm Tất Thắng (hiện làm phân tích dữ liệu cho Bộ Y tế New Zealand) muốn biết Chính phủ Việt Nam có chính sách gì để thu hút những người trẻ, tài năng trở về đóng góp cho đất nước?
Ngoài ra, kiều bào cũng đề nghị Chính phủ hai nước đàm phán để nới lỏng chính sách visa, tạo điều kiện hơn để công dân hai nước giao lưu, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập tại New Zealand.
Chia sẻ thêm về các vấn đề liên quan tới giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận một số ý kiến đề nghị giáo dục cần tăng tính thực tiễn, “dạy cái xã hội cần hơn là dạy cái nhà trường có”. Ông Sơn khẳng định công tác đổi mới giáo dục trong nước đang diễn ra cũng rất chú ý tới vấn đề này.
Giải đáp câu hỏi về chính sách thu hút người trẻ, người tài năng ở nước ngoài quay về Việt Nam cống hiến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hầu hết trường đại học ở Việt Nam đều có chính sách thu hút nhân lực, đặc biệt với những người có trình độ tiến sĩ ở nước ngoài.
“Nhiều trường có ưu tiên về điều kiện làm việc và thu nhập, nhưng tôi nghĩ với các nhà khoa học, băn khoăn nhiều nhất có lẽ không phải thu nhập mà là môi trường làm việc, để có thể phát huy được năng lực của mình. Vì vậy, các cơ sở giáo dục ở Việt Nam đang cố gắng xây dựng môi trường thật tốt để những người tài phát huy năng lực”, Tư lệnh ngành giáo dục Việt Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ các vấn đề trong hợp tác nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan lý giải do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và New Zealand xa xôi nên nông sản xuất sang nhiều khi chất lượng không còn nguyên vẹn, trong khi yêu cầu về chất lượng của New Zealand rất cao.
“Ví dụ chuối của ta xuất khẩu tới thị trường cấp cao như Mỹ, Nhật Bản nhưng với New Zealand, dù có chính sách mở cửa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn làm vì một phần khoảng cách địa lý xa, phần khác do thị phần 5 triệu dân ở New Zealand chưa lớn”, ông Hoan nói.
Khẳng định Bộ Nông nghiệp và các cơ quan hữu quan của Việt Nam luôn khuyến khích xuất khẩu nông sản Việt Nam sang New Zealand, ông Hoan đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam ở New Zealand có thể ngồi cùng nhau, hình thành nhóm để bắt tay nhập khẩu nông sản Việt Nam.
“Việc này có thể giúp khai phá một thị trường mới cho một loại nông sản mới. Tôi cùng Bộ trưởng Công Thương sẵn sàng tìm kiếm tất cả các con đường để thực hiện việc này. Nếu sau này thị trường đủ lớn, doanh nghiệp Việt Nam đủ tự tin vào thị trường New Zealand, việc này chắc chắn sẽ thành công”, ông Hoan nói.
Giải quyết vướng mắc visa trên nguyên tắc có đi có lại
Chia sẻ với bà con sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thông tin về tình hình đất nước, Thủ tướng nêu nhiều minh chứng cho nhận định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Về quan hệ song phương, Thủ tướng cho biết chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Qua gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã trở thành Đối tác Chiến lược và đang hướng tới tầm mức cao hơn.
Theo Thủ tướng, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là điều kiện quan trọng để trao đổi với các nhà lãnh đạo New Zealand nhằm giải quyết các đề xuất, kiến nghị của kiều bào.
Thủ tướng cho biết sẽ đề nghị với các nhà lãnh đạo New Zealand xem xét, công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số; thúc đẩy thành lập các hội đoàn của người Việt Nam với địa lý pháp lý được công nhận và hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhiều vấn đề bà con quan tâm, đề xuất đã và đang được các bộ, ngành xử lý tích cực. Trong đó, về vấn đề visa, các cơ quan sẽ trao đổi với phía New Zealand giải quyết các vướng mắc trên nguyên tắc “có đi có lại” để tạo thuận lợi cho người dân hai bên.
Hoài Thu (Từ Wellington, New Zealand)