Dữ liệu trên được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm thứ Hai (11/3). Theo đó, nhập khẩu vũ khí của châu Âu đã tăng 94% trong giai đoạn 2019 – 2023 so với giai đoạn 2014 – 2018. Ukraine là nước nhập khẩu lớn thứ 4 thế giới trong giai đoạn 2019 – 2023, sau khi được ít nhất 30 nước cung cấp viện trợ quân sự từ tháng 2/2022.
Nhà nghiên cứu cấp cao Pieter Wezeman của Chương trình chuyển giao vũ khí SIPRI cho biết: “Với nhiều loại vũ khí có giá trị cao được đặt hàng, bao gồm gần 800 máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu, nhập khẩu vũ khí của châu Âu có thể tiếp tục duy trì ở mức cao”.
Ông Wezeman nói thêm: “Trong hai năm qua, chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu lớn hơn nhiều về các hệ thống phòng không ở châu Âu, được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn 2019 – 2023, xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng 17% so với giai đoạn 2014 – 2018. “Mỹ đã tăng cường vai trò toàn cầu của mình với tư cách là nước xuất khẩu nhiều vũ khí sang nhiều quốc gia hơn bao giờ hết, một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này”, SIPRI cho biết.
Xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2019 – 2023 giảm 53% so với giai đoạn 2014 – 2018. “Số lượng thấp các lô vũ khí chính đang chờ giao hàng từ Nga cho thấy xuất khẩu vũ khí của Nga có thể sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với mức đạt được trong giai đoạn 2014 – 2018, ít nhất là trong ngắn hạn”, SIPRI nhận định.
Xuất khẩu vũ khí của Nga sụt giảm giúp Pháp lần đầu tiên vượt qua Nga để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. “Pháp đang tận dụng nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí thông qua xuất khẩu. Pháp đã đặc biệt thành công trong việc bán máy bay chiến đấu bên ngoài châu Âu”, nhà nghiên cứu tại SIPRI nhấn mạnh.
Ngọc Ánh (theo SIPRI, Reuters)