Bổ sung chi phí cho khám chữa bệnh
Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó đề xuất điều chỉnh tỉ lệ chi tối đa cho quản lý quỹ BHYT.
Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, 10% số tiền đóng BHYT dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ BHYT. Trong đó dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.
Tuy nhiên, luật không quy định số kinh phí tối đa của quỹ dự phòng. Vì vậy, không có cơ chế chuyển tự động từ quỹ dự phòng sang quỹ khám, chữa bệnh khi kết dư từ quỹ dự phòng lớn. Thực tế trong các năm qua, chi phí quản lý đều chi thấp hơn 4% số tiền đóng BHYT.
Vì vậy, bộ đề xuất điều chỉnh giảm số kinh phí phân bổ dành cho quản lý, chuyển sang chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, sẽ điều chỉnh tỉ lệ chi tối đa dành cho chi phí quản lý quỹ BHYT từ 5% xuống 4%, phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh.
Với đề xuất này, mỗi năm khoảng 1.100 tỉ đồng (1% của 110.000 tỉ đồng) sẽ được phân bổ, điều tiết cho các cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu, nhiệm vụ. Bộ Y tế đánh giá việc phân bổ này không ảnh hưởng đến quỹ BHYT.
Việc phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả nhằm tăng kinh phí phân bổ cho khám bệnh, chữa bệnh, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế có chất lượng, từ đó làm giảm tỉ lệ mắc, điều trị các bệnh, tật.
Tỉ lệ chi tiền túi khám chữa bệnh BHYT còn cao, vì sao?
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay tham gia BHYT đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, tỉ lệ chi tiền túi tại Việt Nam hiện vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế.
Bộ nhận định nguyên nhân là do tăng sử dụng dịch vụ y tế. Theo khảo sát, người có thẻ BHYT có mức sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại và nội trú cao hơn đối tượng khác.
Số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư tiêu hao hoặc các dịch vụ ngoài danh mục BHYT dẫn tới tăng mức trả tiền túi. Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ làm tăng chi phí trả tiền túi.
Bên cạnh đó, một số bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, không đủ thuốc cần thiết cho người bệnh sử dụng.
Công tác đấu thầu thuốc và quản lý thuốc chưa đảm bảo, một số thuốc cần nhưng không được cung ứng nên bệnh nhân phải mua bên ngoài.
Đặc biệt quan trọng là chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nên người bệnh bỏ qua tuyến xã, huyện, vượt lên tuyến trên và tiếp tục chịu chi phí cao hơn.
Một số nơi có tình trạng chỉ định người bệnh có thẻ BHYT sử dụng các thiết bị xã hội hóa, trong khi vẫn có máy đầu tư ngân sách. Điều này làm cho người bệnh phải chi trả phần chênh lệch giữa hai mức giá. Một số cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng chưa minh bạch về tài chính.
Bộ nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế xuống còn 35%. Trong khi đó, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mức chi trả tiền túi từ hộ gia đình.
Vì vậy, dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất nhiều phương án nhằm giảm tỉ lệ chi tiền túi của người dân như tăng phạm vi chi trả BHYT, đề xuất gói BHYT bổ sung, thêm kinh phí cho khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT…