Liên quan cấu trúc đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển về nội dung để phù hợp với yêu cầu mới.
Tăng thêm dạng thức trắc nghiệm, giảm bớt số tờ giấy thi
Theo đó, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Các môn thi trắc nghiệm vẫn giữ dạng thức đã có (trắc nghiệm nhiều lựa chọn) và có thêm một số dạng thức trắc nghiệm khác: dạng đúng sai (kiểm tra đồng thời các biểu hiện năng lực trong một câu hỏi) kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân hóa cao; dạng trả lời ngắn, tư duy làm bài gần với dạng tự luận.
Theo ông Hà, việc đa dạng hơn các định dạng câu hỏi trắc nghiệm có thể kiểm tra tốt hơn năng lực học sinh theo yêu cầu của chương trình mới. Việc này cũng khắc phục được nhược điểm của đề thi trắc nghiệm trước đây.
Ví dụ dạng trả lời ngắn, xác suất điểm ngẫu nhiên bằng 0 nên sẽ hạn chế tình trạng học sinh lựa chọn tùy ý để có những điểm ở dạng ăn may, cũng như đảm bảo học sinh phải rèn luyện tư duy lập luận trong quá trình ôn thi ở những môn thi trắc nghiệm.
“Cấu trúc mới giữ nguyên 40 lệnh hỏi ở tất cả các môn nhưng sẽ giảm bớt số tờ giấy thi, giảm khối lượng công việc, giảm rủi ro trong in ấn, ghép tờ giấy thi”, ông Hà nêu những ưu điểm của cấu trúc đề thi mới đã tính toán cả tính khả thi, khả năng giảm tốn kém, áp lực.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn hướng đến việc phát huy trí tuệ toàn ngành. Việc xây dựng thư viện câu hỏi đề thi có tính mở.
Câu hỏi thi được lựa chọn từ đề khảo sát của sở, trường, đề kiểm tra học kỳ là chất liệu thô để trung tâm khảo thí quốc gia phân tích đề thi bằng lý thuyết khảo thí, để lựa chọn các câu hỏi thi từ thư viện đề thi đưa vào ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa.
Thư viện câu hỏi thi không cần bảo mật, dù không công bố. Chỉ các nội dung được lựa chọn vào ngân hàng đề thi theo quy trình xây dựng câu hỏi chuẩn hóa thì mới phải đảm bảo quy định về bảo mật.
“Giảm áp lực, tốn kém”
Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 là giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, cho phụ huynh học sinh, đảm bảo khách quan trung thực, đảm bảo tin cậy cho các cơ sở đào tạo tuyển sinh.
Việc đổi mới kỳ thi cũng tác động đến các nhà trường trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, đổi mới việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học.
Theo ông Huỳnh Văn Chương – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 vẫn đảm bảo một kỳ thi nhiều mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT, là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục và cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Theo phương thức thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định, thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán, 2 môn thi tự chọn trong số các môn thi còn lại.
Việc xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỉ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với kỳ thi tốt nghiệp sau năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo chung ra các văn bản hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức kỳ thi.
Bộ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng phòng chống gian lận trong kỳ thi, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chủ động sử dụng kết quả thi làm căn cứ xét tuyển sinh theo hướng tự chủ, đảm bảo chất lượng.