Không chỉ ở Kinh Môn, tại Chí Linh cũng có sản phẩm bột sắn dây ngon mát với thương hiệu sắn dây Tân Lập Văn Đức.
Từ lâu, người dân cả trong và ngoài Hải Dương đã biết tới thương hiệu bột sắn dây Kinh Môn. Tuy nhiên, đây không phải là địa phương duy nhất trong tỉnh có lợi thế để phát triển loại cây này. Sắn dây đang là cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân sinh sống tại bãi soi Tân Lập, khu dân cư Kênh Giang, phường Văn Đức (Chí Linh). Sản phẩm này vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022 của TP Chí Linh.
Nhiều năm trước, người dân sinh sống ở bãi soi Tân Lập thường chỉ trồng rau màu và cấy lúa. Tuy nhiên, các loại cây trồng này đều phải sử dụng một lượng thuốc bảo vệ thực vật tương đối lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tham quan và học hỏi nhiều nơi có khí hậu và chất đất tương đồng, người dân nơi đây đã chuyển đổi sang trồng cây sắn dây. Sắn dây đã bén rễ ở bãi soi này được khoảng 7 năm và nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2014, HTX Dịch vụ nông nghiệp Kênh Giang được thành lập với 14 thành viên. Các thành viên này đều sinh sống và sản xuất tại bãi soi Tân Lập. Hiện diện tích trồng sắn dây của các thành viên trong HTX rộng khoảng 10 ha.
Trước đây, người dân vẫn thường sản xuất bột sắn dây thủ công và bán tự do trên thị trường. Không có thương hiệu nên dù chất lượng tốt nhưng sắn dây thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi dịch Covid – 19 xảy ra, tình trạng hàng hóa ứ đọng, khó tiêu thụ khiến nhiều hộ dân trong khu rơi vào tình cảnh khó khăn. Đầu năm 2022, để khắc phục khó khăn và xây dựng thương hiệu bột sắn dây Tân Lập Văn Đức, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất bột sắn hiện đại và khép kín với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Kể từ sau khi đầu tư máy móc, sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP và bước đầu xây dựng được thương hiệu trên thị trường.
Ông Đỗ Văn Viết, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Kênh Giang khẳng định: “Vùng bãi soi này có chất đất và khí hậu tốt hơn hẳn so với những vùng trồng khác. Đặc biệt, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm bởi các yếu tố bên ngoài nên cây sắn dây sinh trưởng và phát triển hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Cùng với khâu sản xuất khép kín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm bột sắn dây của HTX có chất lượng tốt”.
Để làm nên sản phẩm bột chất lượng, sắn dây được trải qua nhiều công đoạn từ xay nhuyễn, lọc tinh bột… cho tới sấy khô. Với công nghệ sấy hiện đại, khép kín đã tạo ra những mẻ bột trắng mịn và có mùi thơm đặc trưng. Khoảng 5 kg củ tươi sẽ cho 1 kg bột thành phẩm. Bột sau khi sấy khô được đóng gói, hút chân không. Mỗi túi trọng lượng 1 kg có giá bán 200.000 đồng. Khi pha chỉ cần một thìa nhỏ là đủ vì hàm lượng tinh bột cao và không có cặn ở dưới. Khi pha, nước sẽ có màu trắng trong, sền sệt và dậy mùi thơm thanh mát. Để tăng vị đậm, nhiều người khi uống thường pha thêm một chút nước chanh và đá. Mỗi ngụm nước sắn dây mát lạnh đậm đà như một thức quà quê quen thuộc, dễ chế biến, dễ dùng và có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Hiện HTX đã gửi bán sản phẩm tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc. Kết quả, sản phẩm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã tiêu thụ khoảng 3 tấn bột sắn dây. Không chỉ vậy, năm nay, giá sắn dây cao kỷ lục ở mức trên 20.000 đồng/kg củ tươi, năng suất đạt 1,3 tấn/sào. Sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi 20 triệu đồng/sào, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sắn dây không chỉ cho thấy hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần xây dựng thêm một thương hiệu bột sắn dây Tân Lập Văn Đức với chất lượng cao.