Tranh sơn mài là loại hình nghệ thuật truyền thống có sức hấp dẫn bền bỉ trong hội họa Việt Nam và cần được bảo tồn, phát huy hơn nữa bởi thế hệ trẻ.
Với ý niệm ấy những bạn trẻ từ học viện Dragon Sigma đã mang đến triển lãm “GIŨA – Phong Sắc” tại Hà Nội những tác phẩm tranh sơn mài ứng dụng các kỹ thuật công phu, tinh tế.
Điều đặc biệt là các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đều của những người không chuyên, mới tiếp xúc với sơn mài…
Các nguyên vật liệu trong tranh sơn mài: vỏ trứng gà nướng, vỏ ốc, mai cua… (Ảnh: Phương Thảo) |
Những trải nghiệm khó quên
Theo chia sẻ của chị Lê Ngọc Hân, giảng viên về nghệ thuật vẽ tranh sơn mài tại học viện Dragon Sigma, trước khi vẽ tranh sơn mài cần phải soạn sẵn các ý tưởng, hình dung rõ ràng bố cục tranh ngay từ đầu, vì cần phải khắc bản thảo lên gỗ trước và khó có thể sửa được sau khi đã rải chất liệu lên bản thảo đó.
Để có một bức tranh sơn mài, người làm tranh cần chuẩn bị từ tấm vóc, cái mo, bút lông, bút thếp… và thực hiện rất nhiều công đoạn khác nhau.
Vóc tranh sơn mài có cốt là tấm gỗ, được bó vải và đắp lên nhiều lớp mùn cưa trộn đất phù sa và sơn sống. Vóc cần phải dày dặn, chống thấm nước, có một mặt bóng và một mặt lì để làm tranh.
Nguyên liệu quan trọng thường được sử dụng để kiểm soát sắc độ trắng trong tranh sơn mài là bạc và các loại vỏ trứng, bạc ta sẽ được dùng để giảm độ sáng chói cho các chi tiết, kỹ thuật ốc úp và ốc ngửa xếp xen kẽ sẽ khiến bức tranh có độ chuyển sáng hài hòa.
Đặc trưng trong tranh sơn mài phải nói đến kỹ thuật sắp xếp vỏ trứng: vỏ trứng gà sẽ cho màu trắng sáng, vỏ trứng vịt sẽ cho màu sáng lạnh, vỏ trứng nướng tạo cảm giác đổ bóng tối cho các chi tiết.
Để tạo nét mềm mại cho tranh thì cần đến mành tre, hay còn gọi là matre, muốn tranh bắt sáng thì cần dát vàng hoặc lá thiếc đã được nghiền vụn.
Với bạn Đỗ Thạch Thảo, học viên tại học viện Dragon Sigma, tranh sơn mài dùng độ ẩm để ủ khô, ít nhất là 2-3 lớp màu thì mới có thể mài, có bức tranh cần đợi đến 2-3 tháng mới có thể mài được lớp đầu tiên.
Sau khi sơn xong thì phải đợi cho từng lớp sơn khô hẳn, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng các lớp sơn bị dày, bề mặt đã khô nhưng phần dưới chưa khô nên dẫn đến việc khi mài thì các lớp tranh sẽ bị rách và hỏng.
Cần đợi từng lớp sơn khô hẳn sau đó mới sơn các lớp sơn tiếp theo. Tùy vào thời tiết, độ ẩm, loại bột màu được sử dụng mà để mỗi lớp sơn khô sẽ mất ít nhất 3-4 ngày hoặc một đến vài tháng.
Có nhiều bức tranh cần đến hai năm để hoàn thành vì mất đến hai tháng mới khô một lớp màu, khá là khó để xác định có bao nhiêu lớp màu trong một bức tranh vì cần mài đến khi nào đạt đến độ ưng ý.
Bức tranh tựa đề “Birds dop” ứng dụng các kỹ thuật matre, đắp vỏ trứng, bột thiếc… tại triển lãm. (Ảnh: Phương Thảo) |
Không thể quên được những trải nghiệm khi mài tranh, Thảo chia sẻ: “Theo mình, phần “đau lưng” nhất là phần mài tranh, càng sử dụng nhiều vỏ ốc thì mài sẽ càng lâu và cần làm thủ công.
Những bức tranh nhỏ thì có thể để làm xong hết các bước rồi mới mài, còn với những bức tranh lớn, nhiều chi tiết thì thường sẽ được mài luôn sau khi sơn hai lớp màu”.
Ngoài ra, để mài sơn tranh thì cần sử dụng một thanh gỗ phẳng, kẹp vào trong giấy mài, với những chi tiết gắn vỏ ốc thì sẽ cần dùng những hòn đá mài dao, mài cho cái đẹp lộ ra – từng tầng từng lớp đan trồng, ẩn hiện.
Theo đuổi sơn mài là một cơ hội mở
Câu chuyện về tranh sơn mài và quá trình tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ những bạn trẻ tham gia triển lãm.
Tại đây, chị Tú Anh hào hứng chia sẻ về kinh nghiệm sau ba năm gắn bó: “Tranh sơn mài sử dụng nhiều bột bạc nên sẽ bị lưu huỳnh hóa theo thời gian khiến tranh bị xỉn màu, tối màu nếu tiếp xúc với môi trường nhiều ánh sáng trong điều kiện thường, nên cần tránh ánh sáng tự nhiên và khi sơn thì sẽ phủ thêm nhiều lớp sơn cánh gián. Bột sơn được sử dụng trong tranh sơn mài phần lớn được chiết xuất tự nhiên từ cây sơn ta, đá, đất khoáng.
Để tạo ra các màu khác nhau thì sẽ trộn bột màu sơn cùng với một số nguyên liệu khác như dầu thông, hoặc cho sơn tiếp xúc với sắt để tạo màu đen của sơn then, màu sơn cánh gián thì sẽ cần đánh, trộn lâu và kỹ hơn với bột gỗ, thời gian từ 13-15 tiếng trở lên.
Nhật Bản và Trung Quốc cũng rất phát triển loại hình nghệ thuật sơn mài nhưng điểm khác biệt lớn nhất so với Việt Nam là ở chất sơn.
Do Nhật Bản và Trung Quốc phát triển nghệ thuật sơn mài theo hướng thủ công, mỹ nghệ nên chất sơn cần cứng và tạo độ bóng loáng, còn chất sơn ở Việt Nam thì mềm hơn, mỏng mỏng hơn do chúng ta theo đuổi hướng hội họa”.
Đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ muốn bắt đầu với dòng tranh sơn mài chị Tú Anh cho rằng: “Những người trẻ có thể đến các buổi triển lãm để tìm hiểu về chất liệu, nền nghệ thuật làm sơn mài đương đại.
Học làm tranh sơn mài có khó nhưng có thể bắt đầu được và điều kiện trước tiên là không bị dị ứng với sơn mài để đảm bảo sức khỏe vì “sơn ăn tùy mặt” và cần có tính kỷ luật cao”.
Chị Lê Ngọc Hân chia sẻ về các kỹ thuật trong tranh sơn mài. (Ảnh: Phương Thảo) |
Chị Lê Ngọc Hân cho biết thêm: “Sơn mài là một chất liệu truyền thống rất hay, lâu đời ở Việt Nam và nên được các bạn trẻ tìm hiểu, tiếp xúc, chạm tới nhiều hơn nữa. Ai tìm hiểu về sơn mài thì chắc chắn đều có một niềm vui thích về chất liệu này và tiếp đến cần phải rất là kiên nhẫn khi muốn tìm hiểu và học chuyên sâu và sơn mài rất thú vị.
Thời gian mình gắn bó với sơn mài chưa lâu, chỉ hơn hai năm nhưng nó mang lại cho mình cảm giác rất quen thuộc và phù hợp với bản bản thân mình”.
Tranh sơn mài là một lĩnh vực nghệ thuật đan xen giữa cái cũ và mới, là một chất liệu thủ công hấp dẫn để những người trẻ yêu nghệ thuật có thể thử sức và theo đuổi.
Khi giải thích về tên gọi của “GIŨA – Phong Sắc”, họa sĩ Phạm Khắc Thắng, người sáng lập sDragon Sigma, cũng nhấn mạnh chữ “Giũa” được lấy cảm hứng từ kỹ thuật mài trong sơn mài, hướng tới tinh thần không ngừng rèn giũa bản thân của người vẽ tranh.