Tìm hiểu văn hóa Mỹ, không thể không tìm hiểu kỹ tôn giáo. Mỹ là mảnh đất tốt để các tôn giáo cũ và mới nảy nở với các khuynh hướng đa dạng.
Thánh đường quốc gia Washington, Mỹ. (Nguồn: Vietnamplus) |
Phần nhiều tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy tín đồ đặt niềm tin vào thế giới bên kia, coi khinh của cải trần tục. Tinh thần tôn giáo trong dân gian Mỹ tiến triển theo hướng ngược lại: làm giàu ở thế giới trần tục là phục vụ Chúa. Có lẽ đó cũng là một động cơ phát triển chủ nghĩa tư bản ở Mỹ.
Ngày nay, ở Mỹ có đến hơn 200 tôn giáo lớn nhỏ có danh nghĩa, phân thành hơn 300.000 tổ chức địa phương. Trái với nhiều nước phát triển, số người theo tôn giáo hay nói cách khác là liên quan đến một tôn giáo ở Mỹ chiếm tới 82% dân số (khoảng18% không theo tôn giáo nào), trong đó, 76% tự nhận là tín đồ Kito giáo (52% theo đạo Tin lành và 24 % theo Công giáo Roma); khoảng 2% Do Thái giáo, 4% theo các tôn giáo khác (đạo Hồi, đạo Phật, Mormon…). Có khoảng 45 triệu trẻ em, không kể người lớn, theo học các lớp do các tổ chức tôn giáo mở. Hàng tuần, đài và vô tuyến có những buổi dành cho các tôn giáo. Kinh thánh là cuốn sách rất phổ biến. Các tôn giáo sống được nhờ sự đóng góp của tín đồ. Chính phủ không trực tiếp trợ cấp cho tôn giáo nào.
Có cảm giác là ở Mỹ, người tử tế thường tin vào Thượng đế. Các tiêu chuẩn đạo đức xuất phát từ tôn giáo. Tổng thống Mỹ có thể bắt đầu bản thông điệp về tình hình đất nước bằng lời cầu nguyện Thượng đế, nếu có ai hỏi ông làm gì trong cuộc khủng hoảng thì phản ứng đầu tiên của ông có thể là cầu kinh. Thượng đế ở đây phải hiểu là Thượng đế của đạo Kito (Cơ đốc giáo).
Tôn giáo quan trọng và lớn nhất ở Mỹ là đạo Kito, ngoài ra còn đạo Hồi, đạo Phật… Tất cả các tôn giáo đều có quyền bình đẳng. Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo hình thành ở Mỹ do biến diễn của chính lịch sử, nhất là ngay từ khi lập quốc. Cho đến nay, sắc thái tôn giáo khá đậm nét trong sinh hoạt xã hội Mỹ.
Sau khi người Tây Ban Nha đổ bộ xuống bờ biển châu Mỹ (thế kỷ XV), người Pháp (1608), người Hà Lan (1609) tìm cách lập nghiệp ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, người Anh, đến tương đối muộn (1583) đã vươn lên làm chủ lãnh thổ và xây dựng nước Mỹ ngày nay. Những người Anh đầu tiên sang Mỹ đã đem theo giáo phái Tân giáo, Giáo hội Thánh công (Episcopal Church) vào miền Virginia, Thanh giáo vào miền New England, giáo phái Tầm tín (Baptist Church) vào đảo Rhode Island, giáo phái Quaker vào miền Pennsylvania. Tiếp đó, rất nhiều tín đồ các giáo phái Tân giáo tiếp tục từ Anh và Đức nhập cư vào Mỹ.
Khi Mỹ độc lập khỏi nước Anh, các giáo phái Tân giáo lại phân chia thành nhiều giáo phái mới, tranh giành ảnh hưởng. Hai giáo phái Giám lý (Methodists) và Tầm tín (Baptists) thuộc khuynh hướng “Tân giáo” tập hợp nhiều tín đồ là những người nhập cư đi khai thác đất mới. Hai giáo phái này thuộc nhà thờ Tin Lành (Evanglical Religion), rất phát triển ở miền Nam, đặc biệt là trong cộng đồng người da đen.
Đồng thời lại có những “tiên tri” xuất hiện, lập ra những tôn giáo mới. Đặc biệt là Mormon giáo (Mormonism) có thể là tên một vị tiên tri thần bí. Giáo phái này do Joseph Smith lập ra vào năm 1830, sau khi tuyên bố là thiên thần xuất hiện đã trao cho ông ta thiên thư Mormon.
Ngoài giáo phái Mormon, còn có giáo phái Khoa học Kito giáo (Chritian Science) do bà Mary Baker Eddy sáng lập năm 1866. Giáo phái này quan niệm bản chất con người chủ yếu là tâm linh. Ở Mỹ, có rất nhiều “thầy lang” khoa học Kito giáo chữa bệnh bằng tâm linh.
Giáo phái lớn thứ hai ở Mỹ là Thiên chúa giáo La Mã do những người di cư từ các nước châu Âu mang sang. Mới đầu họ bị bạc đãi, thành kiến và phân biệt đối xử, nhất là khi tham gia bỏ phiếu chính trị. Nhưng uy tín của họ ngày càng lên do người di cư từ các nước Thiên chúa giáo ở châu Âu sang Mỹ ngày một nhiều. Đặc biệt, một ứng cử viên Thiên chúa giáo là John F. Kennedy được bầu làm tổng thống. Cho đến khoảng những năm 50 của thế kỷ XIX, những người Thiên chúa giáo đã nắm được nhiều vị trí lãnh đạo trong các lĩnh vực công đoàn, kinh doanh và chính trị.
Đạo Do Thái cũng như đạo Thiên chúa khi du nhập vào đất Mỹ chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng dần dần phát triển để đến những năm 1950 thành một trong ba tôn giáo quan trọng nhất: Tân giáo, đạo Thiên chúa và đạo Do Thái. Cho đến cuối thế kỷ XIX, đa số người Do Thái ở Mỹ gốc Đức, khi người Do Thái gốc Nga và Ba Lan, rất bảo thủ, ồ ạt vào Mỹ, họ đã lập ra những cộng đồng Do Thái khép kín. Con cháu họ học hành tốt, một số trở thành nhữngn nhà trí thức có tầm cỡ. Có người vẫn giữ nguyên lề thói tôn giáo Do Thái. Có người trong thâm tâm vẫn suy nghĩ theo truyền thống cũ, nhưng bề ngoài không có gì phân biệt với công dân khác. Khi bị phân biệt đối xử, người Do Thái tập hợp những tổ chức để đấu tranh có hiệu quả.
Giáo phái Amish hay Mennonite do một người cải cách tôn giáo Thụy Sỹ sáng lập từ thế kỷ XVIII. Vốn theo Tân giáo, họ tìm nơi thôn dã và ghét cuộc sống hiện tại. Nhiều giáo phái cũng thi nhau xây dựng những cộng đồng biệt lập, trở thành một khuynh hướng truyền thống luôn tồn tại ở thế kỷ XX.
Những giáo phái nhỏ có một số nét chung, cho xã hội lớn là thối nát, vô phương cứu chữa. Phần đông họ bi quan và tiên tri ngày tận thế. Có những nhóm chết yểu, có nhóm vẫn phát triển được. Nhiều nhóm chủ trương chữa bệnh bằng đức tin.
Các tôn giáo phương Đông, đặc biệt là đạo Phật, có sức hấp dẫn đối với những người theo trào lưu “phản văn hóa” vào những năm 60-80 thế kỷ XX; con số phật tử có thể lên tới hàng chục vạn. Hai chục tín đồ đạo Hồi sống tại Mỹ; họ là dân nhập cư hay con cháu dân nhập cư, hoặc công dân Mỹ (kể cả người da đen) mới theo đạo Hồi. Có mấy chục vạn tín đồ Ấn Độ giáo nhập cư. Những người da đỏ phục hồi tín ngưỡng cũ của họ.