Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo quy định cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 do Bộ GDĐT vừa công bố, trong số 4 môn thi, chỉ có ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần đọc hiểu và viết.
Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong đó, môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, các môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.
Bộ GDĐT cũng công bố số lượng câu hỏi ở các môn thi. Các câu hỏi của môn thi trắc nghiệm gồm 3 phần.
Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án, chọn 1 đáp án đúng; phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý, thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai; phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn, thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình.
Cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ để Bộ GDĐT xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Học sinh đang học lớp 11 cần lưu ý về cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để có định hướng ôn tập.
Năm 2024 là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025 trở đi, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT bám sát nội dung, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về môn Ngữ văn – môn duy nhất thi theo hìnhh thức tự luận, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, đổi mới lớn nhất trong định dạng, cấu trúc đề thi là yêu cầu viết đoạn, bài nghị luận văn học với ngữ liệu mới.
Mục đích của việc đổi mới này là chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng, chép văn mẫu; phát huy được những suy nghĩ riêng của mỗi học sinh, khuyến khích các em tự làm ra bài văn của chính mình, thể hiện suy nghĩ một cách trung thực… Từ đó, đánh giá được năng lực viết của học sinh công bằng, khách quan hơn.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý, giáo viên cần dạy cho học sinh biết cách viết đoạn, bài nghị luận văn học một cách thuần thục. Việc rèn luyện cho học sinh cách viết đoạn văn rất quan trọng trong việc hình thành năng lực viết cả về nội dung, cách lập luận và tổ chức ý.
Để đánh giá đúng năng lực đọc hiểu và viết của học sinh, giáo viên cần chuyển đổi việc dạy, học, đổi mới cách ôn luyện, kiểm tra. Việc ôn luyện không phải chạy theo nội dung mà luyện tập cách đọc hiểu; cách phân tích đánh giá một văn bản theo một thể loại với ngữ liệu mới… để sau đó gặp ngữ liệu nào, học sinh cũng biết vận dụng để đọc hiểu, tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, việc sử dụng ngữ liệu mới là một bước tiến lớn trong thi, kiểm tra ở môn Ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
Do đó, lựa chọn ngữ liệu mới đúng, hay, phù hợp… là một trong hai yếu tố quyết định chất lượng của một đề thi. Sự thay đổi ấy cần được tuyên truyền, lan tỏa trong nhà trường và xã hội để mang lại một quan niệm đúng và tinh thần dạy học Ngữ văn mới.