Xã Xuân Lập (Thọ Xuân), mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, không chỉ là nơi đã sinh ra người Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành, cùng nhiều bậc hiền tài, mà còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử với những công trình văn hóa tâm linh, những lễ hội truyền thống vẫn được người dân gìn giữ và phát huy suốt bao thế kỷ.
Xã Xuân Lập – mảnh đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt”. Ảnh: Nguyễn Đạt
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp về xã Xuân Lập trong không khí sôi nổi, háo hức của người dân đang chuẩn bị đón chào sự kiện lớn đó là Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành, và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dẫn chúng tôi đi tham quan một số di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn, đồng chí Tống Cảnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập phấn khởi cho hay: Xuân Lập là một xã đồng bằng phía Bắc huyện Thọ Xuân. Do nằm giữa một vùng đất có dòng sông Chu (Lương Giang) chảy ở phía Nam, sông Cầu Chày ở phía Đông cùng với một hệ thống giao thông đường bộ nối các vùng Yên Định ở phía Bắc, Thiệu Hóa ở phía Đông, Đông Sơn ở phía Nam… đây đều là những con đường huyết mạch nối liền xã với nhiều vùng trong tỉnh, trong nước. Chính nhờ sự giao lưu lịch sử rất quan trọng đó đã tạo cho nơi này trở thành “mảnh đất thiêng”. Xã Xuân Lập hiện nay được hình thành nên từ 4 làng Việt truyền thống và có một quá trình phát triển rất lâu dài. Từ một đơn vị Kẻ Sập – làng Trung Lập (tức là một làng Việt cổ) thời các vua Hùng dựng nước cách ngày nay khoảng 2.000 năm, đến thế kỷ X các làng xã của Xuân Lập được hình thành và xác lập, tạo nên những đơn vị hành chính làng xã ổn định cho đến ngày nay.
Đất “địa linh” ắt sẽ sinh ra “nhân kiệt”. Song hành cùng lịch sử dân tộc, mảnh đất Xuân Lập là nơi đã sinh ra nhiều nhân vật lịch sử có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, có Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành, một vị Hoàng đế tiêu biểu cho tài năng và đức độ, ông đã có công lao to lớn trong sự nghiệp chống ngoại xâm thống nhất quốc gia và tổ chức nền nếp quốc gia trong những ngày đầu xây dựng. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bản lề của thế kỷ X, mở ra thời đại mới, đưa dân tộc ta lên một chặng đường mới huy hoàng và xán lạn hơn. Hay Tống Văn Mẫn, người đã góp phần bày mưu, tính kế giúp Lê Hoàn nắm vững nội tình nhà Tống, đề ra những chiến lược, sách lược đúng đắn giáng vào chỗ yếu của kẻ thù; rồi Hoàng Văn Luyện, là người thông minh mưu lược, tài trí hơn người, đã lập được nhiều công trạng được triều đình ban cho chức tước đáng bậc Phụ quốc Thượng tướng quân, Tham đốc thần vũ tứ vệ quân vụ sự, tước Cẩm Nghĩa hầu…
Dù đã đi qua nhiều thế kỷ, nhưng trên mảnh đất Xuân Lập ngày nay vẫn còn lưu giữ được khá nhiều công trình văn hóa tâm linh đặc sắc như là minh chứng sống động cho chiều sâu văn hóa ở vùng đất này. Điển hình nhất, phải kể đến là Đền thờ Lê Hoàn. Đây là ngôi đền được Nhân dân lập nên để tưởng nhớ công ơn của Hoàng đế Lê Đại Hành. Công trình này đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2018 và hiện còn lưu giữ được nhiều kiến trúc đặc sắc cũng như mỹ thuật, nghệ thuật truyền thống của thế kỷ XVII; lăng Quốc mẫu Tiền Lê là nơi Hoàng thái hậu nhà Tiền Lê an nghỉ; lăng Hoàng khảo nhà Tiền Lê, là nơi Đức Hoàng khảo nhà Tiền Lê an nghỉ; hay đình làng Phú Xá là nơi thờ Thành hoàng Kim Ngô, và phối thờ vua Lê Trang tông cùng các bậc chức sắc quan lại, có công, đỗ đạt trong làng…
Cùng với những công trình văn hóa tâm linh đặc sắc, thì người dân nơi đây còn bảo tồn được một kho tàng văn hóa phi vật thể với nhiều lễ hội, truyền thuyết dân gian, các tục lệ truyền thống… Đặc biệt nhất là Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo người dân trong vùng cùng về dâng hương chiêm bái, tỏ lòng ngưỡng vọng tiền nhân. Song song với đó, là nhiều tục lệ truyền thống như tục lệ giã cốm và lệ cúng bánh chưng 3 ngày tết. Đó là hàng năm vào tháng 9 âm lịch, dân làng Trung Lập có lệ làm cốm để dâng cốm ở đền thờ đức vua. Còn ngày 3 Tết Nguyên đán tại Đền thờ Lê Hoàn chỉ dâng cúng bánh chưng; tục xôi nén và bánh lá răng bừa cũng là hai thứ không thể thiếu được đối với các gia đình ở làng Trung Lập trong các ngày lễ hay đón khách quý. Tục xôi nén nhằm kỷ niệm tích xưa khi vua đem quân đi đánh giặc, nấu cơm một bữa được dùng cả ngày là do nắm cơm đem theo ở bên người. Con gái ở làng Trung Lập thì không ai là không biết làm bánh lá. Đến nay, nghề làm bánh lá răng bừa ở đây không chỉ để phục vụ cho bà con trong xã mà ngày càng phát triển trở thành nghề mang lại thu nhập cao cho người dân. Bánh lá răng bừa hiện được tiêu thụ ở khắp các địa phương trong cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Có thể thấy rằng, từ xưa tới nay, mảnh đất Xuân Lập vẫn luôn được mệnh danh là vùng “đất lành” và “nhân hòa”, cho nên dẫu đã từng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, song các thế hệ con cháu ở đây đã quyết tâm đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lao động, chiến đấu và sáng tạo không ngừng để xây dựng quê hương mỗi ngày một trù phú, tươi đẹp hơn.
Nguyễn Đạt
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Địa chí xã Xuân Lập).