Anh Quân được nhận vào chương trình thạc sĩ Robotics của Đại học Pennsylvania (UPenn), Mỹ, khi đang là sinh viên năm thứ ba ngành Kỹ thuật điện.
Phạm Anh Quân, sinh viên VinUniversity, nhận tin trúng tuyển hôm 5/3, khi đang thực tập tại Viện nghiên cứu Infocomm thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của chính phủ Singapore về lĩnh vực AI, ứng dụng cho robot.
“Mình hơi bất ngờ”, Quân, 21 tuổi, nói. UPenn nằm trong nhóm 8 đại học tinh hoa của Mỹ (Ivy League), xếp hạng 12 thế giới, theo QS 2024. Đây cũng là trường có ngành Robotics số 1 toàn cầu.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, từng hướng dẫn và viết thư giới thiệu cho nhiều học trò nhưng kết quả của Quân làm ông bất ngờ và vui mừng nhất.
“Trúng tuyển vào UPenn đã khó, Quân còn trúng hai ngành, trong đó Robotics là một trong những ngành cạnh tranh nhất”, thầy Định nói. Ông nhận định học trò có tư duy của người làm kinh doanh, tố chất mà UPenn tìm kiếm.
Năm 2007, Cần Thơ xảy ra vụ sập cầu nghiêm trọng, khiến nhiều đồng nghiệp ngành cơ khí của bố Quân ra đi mãi mãi. Cựu học sinh chuyên Lý, trường THPT Lý Tự Trọng, nghĩ đến việc dùng robot để thay thế con người làm việc trong những môi trường hiểm trở. Cậu muốn tạo ra robot đủ thông minh với khả năng tự làm việc, đưa ra quyết định hiệu quả nhất. Từ đó, Quân nuôi ước mơ theo học ngành này, đặt mục tiêu học tập, làm việc ở những ngôi trường hàng đầu thế giới.
Vào đại học, Quân đăng ký ngành Khoa học máy tính, nhưng được các thầy thuyết phục chuyển sang Kỹ thuật Điện để gần với chuyên ngành Robotics hơn. Nam sinh đã vạch ra kế hoạch học tập ngay từ đầu với mục tiêu được nhận vào ngành Robotics của UPenn. Trong đó, muốn hồ sơ ấn tượng, Quân phải có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu.
Năm đầu tiên, Quân và bạn thành lập dự án khởi nghiệp chuỗi cung ứng nông nghiệp, được trường hỗ trợ 2.000 USD (gần 50 triệu đồng). Năm tiếp theo, nam sinh tham gia nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Văn Định về những bài toán điều khiển trong viễn thông, với chủ đề nghiên cứu về thiết kế thuật toán phân chia tài nguyên mạng trong 5G/6G.
Quân cũng là một trong 4 đại diện của Việt Nam tham dự chương trình tài năng và giành giải nhất cấp khu vực trong cuộc thi về khởi nghiệp của Huawei. Hồi tháng 2, em được chọn tham gia chuyến trao đổi sinh viên về kinh doanh khởi nghiệp ở Đại học Cornell, Mỹ.
Quân cho hay thời điểm chuẩn bị hồ sơ nộp hồ sơ vào UPenn là lúc căng thẳng nhất khi vừa phải thi cuối kỳ, xin visa đi Mỹ và chuẩn bị sang Singapore thực tập.
“Nhiều đêm, mình chỉ ngủ được 1-2 tiếng do có quá nhiều công việc cần giải quyết”, Quân kể.
Với chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5, GRE (bài kiểm tra dùng xét tuyển sau đại học ở Mỹ và châu Âu) đạt 323/340, điểm trung bình (GPA) 3.59/4 song ban đầu Quân cảm thấy khó khăn trong việc thể hiện bản thân.
UPenn yêu cầu ứng viên viết bài luận tối đa 1.500 từ, trả lời 7 câu hỏi về thành tích, kinh nghiệm cũng như mối liên hệ giữa chúng đến mục tiêu trong cuộc đời. Quân đã viết về vụ sập cầu ở Cần Thơ, là lý do thôi thúc em nộp vào ngành Robotics.
Mục tiêu của Quân là trở thành người vừa có kỹ năng khoa học công nghệ cao, vừa có khả năng kinh doanh. Quân cho hay có nhiều dự án hay nhưng kỹ sư và nhà khoa học thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh nên sản phẩm dễ thất bại khi đưa ra thị trường. Việc này có thể khiến nhiều sinh viên không thấy được mục đích và không có động lực nghiên cứu khoa học.
“Em tâm huyết với việc thương mại hóa nghiên cứu, đưa sản phẩm công nghệ cao trở thành những công ty hoạt động một cách bền vững và mang lại giá trị lâu dài cho cộng đồng”, Quân nói.
Lớn lên ở miền Tây, gần gũi với cuộc sống làm nông nghiệp nên Quân cũng mong dùng robot để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lao động và khoa học công nghệ trong lĩnh vực này. Nam sinh dự định trở về quê hương sau khi tốt nghiệp, làm các dự án phát triển robot, hệ thống thông minh trong nông nghiệp, cũng như mang đến cơ hội nghiên cứu về robot cho những học sinh yêu thích.
“Các bạn trẻ sẽ làm dự án để bắt kịp công nghệ với thế giới, tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu để bước vào những môi trường học tập tốt”, Quân cho hay.
Bài luận được Quân hoàn thành trong 2-3 ngày, với nhiều lần chỉnh sửa. Quân cho hay không nhờ ai hỗ trợ vì tin vào bản thân, không muốn ảnh hưởng tới những nội dung mà mình định truyền tải. Quân ưng ý với bài luận vì thể hiện được sự toàn diện, giá trị cốt lõi và tinh thần cống hiến vì cộng đồng.
Chàng trai quê Cần Thơ sẽ bắt đầu học kỳ mùa thu vào tháng 8. Trong thời gian thực tập ở Singapore, nam sinh đặt mục tiêu có sản phẩm và bài báo khoa học. Quân cũng chờ vòng phỏng vấn cuối cùng với VinGroup để được tập đoàn cấp học bổng toàn phần theo học tại Upenn.
“Việc ứng tuyển thành công vào UPenn không chỉ có ý nghĩa lớn với mình, mà có thể còn truyền cảm hứng cho các bạn khác tự tin nộp vào trường top”, Quân nhìn nhận.
Bình Minh