Hàng trăm triệu USD vốn ngoại rót vào ngành y tế khi tầng lớp trung lưu gia tăng, dân số già hóa và ý thức chăm sóc sức khỏe càng cao.
Từ chỉ một vài thương vụ riêng lẻ mỗi năm, trong hơn một năm qua, ngành y tế và chăm sóc sức khoẻ Việt Nam đón dòng vốn ngoại lớn. Cao điểm trong quý III/2023, hàng loạt thương vụ đầu tư vào lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe được ký kết, nổi bật có Thomson Medical Group (TMG) mua lại Bệnh viện FV hay Dongwha Pharm thâu tóm hơn một nửa vốn chuỗi nhà thuốc Trung Sơn.
Theo thống kê của công ty đầu tư vốn cổ phần Kirin Capital, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngành y tế năm 2023 có 11 thương vụ với tổng giá trị được công bố đạt 508 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2022. Đây là ngành có giao dịch M&A cao thứ ba, chỉ sau hai ngành truyền thống là tài chính và bất động sản. Đa số bên mua đều là các đơn vị đến từ nước ngoài.
“Y tế là một trong những ngành có hoạt động M&A sôi động nhất trong năm 2023, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang chứng minh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam”, Kirin Capital nhận định.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện Thomson Medical Group đánh giá thị trường chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang gia tăng, dân số già hóa cũng như người nhập cư từ nước ngoài ngày càng tăng. Theo góc nhìn của doanh nghiệp Singapore, Việt Nam đang trên đường hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thượng trung lưu (upper-middle-class) vào năm 2035 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam đang là nước có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh thứ bảy trên thế giới và sẽ tăng thêm 36 triệu người vào năm 2030, theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey.
Tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy chi tiêu cho ngành chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe, thể chất của mỗi người. Từ năm 2017 đến năm 2022, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội mạnh mẽ trong lịch sử với tốc độ CAGR khoảng 8,6% mỗi năm. Song song, theo Euromonitor, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng với tốc độ CAGR khoảng 9,2%.
Bên cạnh đó, dân số già hóa nhanh chóng giúp gia tăng nhu cầu về chăm sóc lão khoa và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên biệt khác. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam kéo dài đến hơn 75 tuổi. Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự đoán người cao tuổi có thể chiếm hơn 17% dân số vào năm 2030.
Làn sóng nhập cư từ người nước ngoài ngày càng tăng cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu thị trường. Việt Nam đang có khoảng 101.550 người ngoại quốc vào năm 2021, tăng từ mức 83.500 người hồi năm 2019, theo thống kê của Bộ Lao động.
Đại diện Thomson Medical Group nói việc có một đối tác mạnh tại Bệnh viện FV sẽ mở ra cơ hội khai thác các khoản đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ trợ khác nhằm bổ sung cho chiến lược của Bệnh viện FV và các lĩnh vực trọng tâm của tập đoàn. Điều này sẽ đóng góp lớn vào sự tăng trưởng bền vững của họ trong dài hạn.
Đồng quan điểm, ông Andy Ho – Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư của VinaCapital, cho rằng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, nhận thức về sức khỏe của người dân được nâng cao hơn sau đại dịch cùng với tình trạng quá tải tại các bệnh viện công vẫn chưa được khắc phục, đã tạo ra nhu cầu cao về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân.
VinaCapital là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam, nổi bật có thương vụ đầu tư vào Bệnh viện Y khoa Hoàn Mỹ và thoái vốn trong năm 2013. Hiện nay, họ rót vốn vào hai hệ thống bệnh viện, tổng cộng gồm 14 bệnh viện và phòng khám. VinaCapital xem đây là các khoản đầu tư dài hạn, có thể từ 8-10 năm thay vì 5-7 năm như các khoản đầu tư thông thường khác do việc gia tăng giá trị các bệnh viện đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực.
Lý giải việc ngành này hút vốn ngoại, ông Andy Ho cho rằng lý do trước hết là cơ hội cho các nhà đầu tư và các bệnh viện tư nhân vẫn còn nhiều. Hiện bệnh viện tư mới đạt 5% tổng số giường bệnh, trong khi Bộ Y tế đặt mục tiêu 15% đến năm 2025. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội cho hệ thống y tế tư nhân phát triển lớn mạnh, thu hút nhiều tổ chức đầu tư lớn.
“Mặt khác, định giá các bệnh viện tư ở Việt Nam ở mức hợp lý so với tiềm năng tăng trưởng, nên nếu nhà đầu tư chọn lựa được các bệnh viện phù hợp, sẽ không khó để đạt được mức lợi nhuận hấp dẫn trong tương lai”, ông Andy Ho cho biết thêm.
Thời gian tới, Kirin Capital dự báo bức tranh đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam tiếp tục duy trì sự sôi động, cơ hội đầu tư rộng mở, các đặc điểm, tính chất thương vụ và đối tượng bên mua – bán cũng đa dạng hơn. “Sự đa dạng về cấu trúc giao dịch và số lượng cơ hội đầu tư đáng kể sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các hoạt động M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam”, đội ngũ phân tích này cho biết.
Tuy nhiên, thị trường chăm sóc sức khỏe tư nhân không phải chỉ toàn quả ngọt. Thực tế, nhiều bệnh viện tư vẫn làm ăn thua lỗ suốt nhiều năm liên tiếp, một phần vì làm ăn “chụp giật”, chạy theo lợi nhuận, một phần do tâm lý người dân chuộng bệnh viện công. Bên cạnh đó, các quy định về xã hội hóa y tế vẫn còn một số bất cập.
Tháng 7/2023, Tập đoàn Shizim – một trong những doanh nghiệp khoa học đời sống lớn của Israel, ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Dolphin Vũng Tàu về xây dựng bệnh viện quốc tế trị giá một tỷ USD tại dự án Thành phố biển Quốc tế Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Chia sẻ trong lễ ký kết này, ông Lê Minh Hải – Chủ tịch Dolphin Vũng Tàu, nói cơ quan quản lý cần tháo gỡ tư duy xin – cho. Theo ông, bệnh viện quốc tế tại Vũng Tàu cũng như các dự án hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài khác, đều là sự giao thoa giữa một bên có tiềm lực tài chính và một bên có hoài bão, năng lực thực hiện. Trong đó, nhà đầu tư ngoại chỉ quan tâm đến hai yếu tố: chứng minh tính pháp lý của mảnh đất xây dựng dự án và sự đồng thuận của cơ quan quản lý.
Tất Đạt