(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).
Trong không gian chừng 30 m2, mọi thứ được bày trí khá gọn gàng, ngăn nắp. Trên tường là những bức ảnh đen trắng chụp các danh lam thắng cảnh Đà Lạt chụp từ thập niên 1950 được phóng lớn. Tất cả như gợi lại cho du khách được quay trở lại những ngày chưa xa của thành phố này.
Chủ quán là người đàn ông đã ngoài 70, gây ấn tượng với chiếc bere và thường được nhiều người gọi là bố. Ông luôn có cách làm hài lòng khách bằng cách quan tâm đến từng khẩu vị, hỏi thăm sức khỏe người quen, giới thiệu điểm tham quan cho người mới đến hoặc kể cho nhau nghe những câu chuyện về Đà Lạt xưa…
Cà phê ở quán Nga có hương vị thơm ngon, độc đáo khó nhầm lẫn với những nơi khác vì được rang xay, pha chế theo công thức riêng. Mà lỡ có “nghiện” rồi thì cũng chẳng sao vì quán nhận ship những cà phê bột với thương hiệu của quán đi khắp mọi nơi.
Tờ mờ sáng quán đã có khách đến gõ cửa. Đó là các chú, các bác lớn tuổi dậy sớm tranh thủ ghé qua uống vội tách cà phê cho ấm người rồi mới bắt đầu những cuốc xe. Muộn một chút là giới văn phòng thưởng thức cà phê trước khi đi làm. Thời gian trong ngày quán trở thành chỗ dừng chân, điểm hẹn của du khách mỗi lần đến chợ.
Quán không rộng lắm nên việc hết bàn, thiếu chỗ là chuyện thường tình. Nhưng đã cất công đến được đây thì dường như ít ai chịu về tay không. Xin ngồi ghép với người lạ là một giải pháp được nhiều người tận dụng khi quán đã hết bàn nhưng vẫn còn dư ghế. Nếu ghế cũng hết thì ai nấy mới chịu mua mang đi.
Thế mới biết, không chỉ là nơi kinh doanh, quán đã trở thành một điểm hội tụ, nối kết những người yêu một Đà Lạt cho dù ở bất cứ tuổi nào.