Khi đau đầu, bạn uống Paracetamol giúp giảm đau tạm thời nhưng không nên sử dụng trong thời gian dài vì có thể gây hại cho gan.
Công việc của tôi khá căng thẳng và hay xuất hiện triệu chứng đau đầu. Khi đó, tôi thường uống ngay thuốc giảm đau Paracetamol, tình trạng sẽ đỡ. Xin bác sĩ tư vấn thói quen này có hại không?
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Ngô Minh Như – Phòng khám Ngũ Quan (Tai mũi họng – Mắt YHCT), Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3 – trả lời:
Đau đầu là triệu chứng do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể xuất hiện đột ngột hoặc kéo dài trong nhiều ngày. Mỗi khi đau đầu, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, học tập và làm việc không hiệu quả. Việc lựa chọn một viên thuốc giảm đau nhanh và lấy lại sự tỉnh táo sẽ là điều tất nhiên. Thuốc được lựa chọn thường xuyên nhất là Paracetamol và có rất nhiều người băn khoăn rằng thói quen đó có hại không? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tác dụng, liều lượng, chống chỉ định như sau:
Paracetamol (Acetaminophen) là một dạng hoạt chất có tác dụng giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau nhẹ và vừa (đau đầu, đau răng, đau nhức do cảm cúm, đau bụng kinh,…) và hạ sốt.
Liều lượng: người lớn và trẻ em > 12 tuổi 500 – 1000mg mỗi 4 – 6 giờ (không quá 4g/ngày). Trẻ em 6 – 12 tuổi 250 – 500mg (tối đa 4 lần/ngày). Không được dùng Paracetamol giảm đau quá 10 ngày (người lớn), quá 5 ngày (trẻ em).
Tác dụng phụ: Sử dụng thuốc quá liều có thể gây ngộ độc gan, thận với các biểu hiện nước tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, nước tiểu màu vàng sậm, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong. Có thể gây ra một số phản ứng nghiêm trọng: phát ban, nổi mẩn da, sưng mặt, môi và lưỡi, khó thở.
Chống chỉ định: Người có bệnh về gan, thận, nghiện rượu, thường xuyên sử dụng chất kích thích, mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
Như vậy, Paracetamol là một loại thuốc tương đối an toàn để giảm đau khi sử dụng đúng liều khuyến cáo, tuy nhiên có thể gây ngộ độc gan khi dùng liều cao, kéo dài. Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ.
Nguyên nhân nào dẫn đến đau đầu, đau nửa đầu?
Đau đầu nguyên phát: là đau đầu xảy ra do rối loạn chức năng hoặc hoạt động quá mức của các cấu trúc nhạy cảm đau ở đầu, các dạng hay gặp nhất là đau đầu Migraine, đau đầu dạng căng thẳng, đau đầu từng cụm, đau đầu do lối sống không lành mạnh (thức khuya, thiếu chất), đau đầu do sai tư thế ở cổ, lưng.
Đau đầu thứ phát: là tình trạng đau đầu xảy ra do tổn thương cấu trúc giải phẫu hoặc nhiễm trùng ở vùng đầu, cổ, đau đầu từ viêm răng, viêm mũi xoang, viêm động mạch thái dương, xuất huyết não, viêm não, viêm màng não hay u não.
Ngoài ra, đau đầu có thể do đau dây thần kinh sọ khác nhau gây ra.
Các dấu hiệu cảnh báo đau đầu nguy hiểm bạn cần đi khám bác sĩ như: Đau đầu khởi phát lần đầu sau 50 tuổi; thay đổi tính chất hoặc kiểu đau so với lần trước; đau đầu dữ dội bất thường; đau đầu tăng khi ho, khi vận động; đau đầu ngày một nặng dần.
Ngoài ra, cơn đau đầu kèm thay đổi tính cách, hành vi, chức năng tâm thần. Đau đầu kèm theo sốt, cứng gáy, lẫn lộn, giảm trí nhớ, giảm tỉnh táo hoặc có triệu chứng thần kinh như nói khó, yếu tay chân, co giật, đỏ nhức mắt. Đau đầu sau chấn thương vùng đầu. Đau đầu xảy ra ở người mắc ung thư hoặc suy giảm miễn dịch.
Trong y học cổ truyền có một số biện pháp để xử trí đau đầu như xông tinh dầu và xoa bóp bấm huyệt. Khi đau đầu, bạn có thể sử dụng các thủ thuật xoa, day, ấn các huyệt vị vùng đầu, vùng mặt, vùng cổ gáy để giảm đau. Một số tinh dầu bạc hà, cam thảo, chanh, gừng, sả giúp thư giãn, khai khiếu, tỉnh thần để giảm đau đầu, ngủ ngon giấc hơn.
Hằng ngày, bạn nên tăng cường luyện tập. Bạn có thể luyện tập dưỡng sinh giúp khí huyết lưu thông tốt, tăng lưu thông máu vùng đầu mặt giúp giảm đau đầu, thư giãn, dễ ngủ hơn.
Theo VNN