Nhà mạng mong được sớm cấp phép tần số
Chia sẻ với VietNamNet, các nhà mạng cho hay họ đã chuẩn bị đầy đủ cho đợt đấu giá này. Một nhà mạng lớn cho biết đã sẵn sàng cung cấp 5G sớm nhất sau khi có được giấy phép.
“Chúng tôi mong muốn Bộ TT&TT sớm cấp phép tần số 5G để cung cấp dịch vụ cho khách hàng và sẽ đem đến trải nghiệm mới cho người dùng dịch vụ 5G. Hiện nay, dịch vụ 5G tập trung ở những khu công nghiệp, cảng biển… nơi nhu cầu tự động hóa, thông minh hóa cao”, đại diện nhà mạng lớn này nói.
Đại diện một nhà mạng khác cho hay “băng tần vàng” 2600 MHz là băng tần mơ ước bởi đầu tư sẽ thấp hơn các băng tần khác. Có thể ở băng tần này, việc đấu giá sẽ “thú vị” hơn.
Theo dự báo, lần đấu giá tần số sắp tới sẽ không có “người chơi mới” bởi lĩnh vực di động còn rất ít cơ hội cho những nhà mạng mới bước chân vào thị trường và đi thẳng lên 5G.
Cuộc đấu giá sẽ chỉ có 3 nhà mạng lấy được băng tần 5G. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Kế hoạch đấu giá tần số như thế nào?
Theo kế hoạch, việc đấu giá tần số 5G sẽ được thực hiện chiều ngày 8/3 tại Cục Tần số Vô tuyến điện. Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, Cục sẽ không đứng ra tiến hành đấu giá tần số 5G mà việc này sẽ do Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia thực hiện.
Giá khởi điểm của vòng đấu giá số 1 là 3.983.257.500.000 đồng (ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng). Giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá trả cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề. Mức giá áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần 2500 MHz – 2600 MHz là 50 tỷ đồng.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, và phương thức đấu giá sẽ phải trả giá lên. Việc bỏ phiếu trả giá được tiến hành nhiều vòng cho đến khi không còn doanh nghiệp trả giá thì doanh nghiệp cuối cùng có mức giá trả cao nhất là doanh nghiệp trúng đấu giá. Việc xác định doanh nghiệp trúng đấu giá thực hiện theo Quy chế cuộc đấu giá và tuân thủ quy định pháp luật.
Trước đây, việc cấp phép tần số do các cơ quan nhà nước phê duyệt cho doanh nghiệp. Tiếp theo đó là hình thức thi tuyển để lấy tần số. Nói cách khác, băng tần được cấp phép miễn phí cho các doanh nghiệp. Hằng năm, các nhà mạng chỉ phải trả phí băng tần theo quy định của Bộ Tài chính. Thậm chí, cơ quan quản lý lúc đó đã bàn nhiều đến việc phải thu thêm phí thương quyền viễn thông với các nhà mạng.
Thế nhưng, khi Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực và các nhà mạng muốn có băng tần tốt để cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì sẽ phải tham gia đấu giá công khai, minh bạch.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam có 126 triệu thuê bao di động và thị trường bắt đầu đến ngưỡng bão hòa. Một thống kê khác cho thấy, mỗi năm các nhà mạng đang giành nhau khoảng 800.000 thuê bao mới gia nhập thị trường.
Trước đó, Bộ TT&TT đã cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các nhà mạng cho rằng, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai.
Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, 4G vẫn còn quan trọng và tồn tại trong khoảng thời gian nữa. Việc tiếp tục đầu tư vào 4G cũng rất quan trọng bởi trong vài năm tới, 4G vẫn là mạng phổ biến. Nhưng 5G sẽ được triển khai ở các điểm nóng, khu công nghiệp, thành phố lớn.