Tối 8.3, Tập đoàn Công nghiệp – viễn thông Quân đội Viettel thông báo đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện 5G đối với khối băng tần 2.500 – 2.600 MHz trong vòng 15 năm tới.
Theo quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá phải triển khai dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép. Sau 2 năm, số trạm phát sóng 5G tối thiểu phải đạt số lượng 3.000 trạm. Trong thông cáo phát đi, phía Viettel cũng xác nhận sẽ “khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất”.
“Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2.500 – 2.600 MHz”, đại diện nhà mạng quân đội cho biết. Tập đoàn từng bày tỏ tham vọng công bố hệ sinh thái thiết bị 5G tự sản xuất trong năm nay. Trước khi đấu giá thành công băng tần 5G, Viettel đã xây dựng và triển khai thử nghiệm khoảng 500 trạm 5G tại hầu hết tỉnh, thành trên cả nước, tạo điều kiện để hiện thực hóa kế hoạch phát sóng thương mại công nghệ di động này sớm.
Không chỉ Viettel, các nhà mạng khác cũng đều sẵn sàng về hạ tầng và công nghệ, chỉ chờ băng tần. Đại diện nhà mạng lớn khác từng xác định đơn vị “chắc chắn làm 5G” trong năm 2024, sẽ triển khai như cam kết theo yêu cầu về đấu giá của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài khối băng tần B1 (2.500 – 2.600 MHz) được Viettel đấu giá thành công ngày 8.3, trong tháng 3 này dự kiến cơ quan quản lý sẽ tiến hành đấu giá thêm 2 khối băng tần khác là C2 (3.700 – 3.800 MHz) và C3 (3.800 – 3.900 MHz) vào ngày 19 và 14.3. Mức giá khởi điểm là hơn 1.900 tỉ đồng.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2024 sẽ là thời điểm triển khai chính thức 5G tại Việt Nam. Theo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 – 2030 do Bộ công bố, mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu của mạng 5G tại Việt Nam là 100 Mbps. Đến 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.
“Năm 2024, thị trường tương đối sẵn sàng cho 5G, ít nhất là khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực y tế, dầu khí, giao thông, thành phố thông minh…”, ông Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), đánh giá về thực trạng triển khai 5G ở Việt Nam tại một sự kiện diễn ra vào tháng 12.2023.
Các nhà mạng di động trong nước đã có tới 4 năm để thử nghiệm mạng 5G thực tiễn khi bắt đầu tiến trình này rất sớm, từ năm 2020 tại một số tỉnh thành lớn và đã mở rộng quy mô qua các năm. Tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp nội địa cũng phát triển thành công thiết bị viễn thông hoạt động trên nền mạng 5G và chạy thử nghiệm trên mạng lưới, thậm chí triển khai mạng riêng cho tổ chức, doanh nghiệp.
Dự báo, đến năm 2030, 5G sẽ đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỉ USD. Đến năm 2025, công nghệ mạng này có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3% đến 7,4% nhờ nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất.