Với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực hàng không, ngành Kỹ thuật hàng không đang tạo ra số lượng lớn việc làm cho sinh viên mỗi năm. Đồng thời, sinh viên ngành học này sau khi tốt nghiệp cũng được trang bị lượng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc phong phú.
Ngành Kỹ thuật hàng không là gì?
Kỹ thuật hàng không là ngành học chuyên đào tạo thiết kế và xây dựng những loại máy móc có thể bay. Bao gồm hai mảng riêng là kỹ thuật hàng không dân dụng và kỹ thuật hàng không vũ trụ.
Trong đó, kỹ thuật hàng không dân dụng có nhiệm vụ thiết kế và tạo ra các loại máy bay để sử dụng trong phạm vi bầu khí quyển của Trái đất. Ngược lại, kỹ thuật hàng không vũ trụ lại tập trung nghiên cứu và phát triển các loại tàu du hành hoặc vệ tinh để sử dụng bên ngoài phạm vi khí quyển.
Thông thường, ngành Kỹ thuật hàng không hệ cử nhân được đào tạo trong vòng ba hoặc bốn năm.
Với tiềm năng phát triển của thị trường vận tải hàng không trong nước, sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không có kiến thức chuyên môn tốt sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí công việc: Chuyên gia kỹ thuật hàng không tại các công ty kỹ thuật hàng không Việt Nam và thế giới: Vietjet Air, Jetstar Airways, Bamboo Airways…; Tư vấn hỗ trợ bảo trì máy bay, dịch vụ hàng không… tại các hãng hàng không.
Một số trường đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không ở nước ta. Ngành Kỹ thuật hàng không của Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh theo 4 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển tài năng, xét kết quả bài thi đánh giá tư duy, xét tuyển thẳng.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, ngành học này lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển là 25,5 điểm (A00; A01). Nhà trường quy định mức học phí với ngành Kỹ thuật hàng không dao động từ 26 – 29 triệu đồng/năm học.
Học viện Hàng không Việt Nam – năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Kỹ thuật Hàng không lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 21,5 điểm (A00; A01; D07). Trong khi đó, mức điểm chuẩn năm 2022 mức điểm chuẩn cũng không chênh lệch quá nhiều, lấy 21,3 điểm (A00; A01; D07; D90).
Ngoài ra, trường còn tuyển sinh theo 4 phương thức khác: xét điểm học bạ bậc THPT, ưu tiên xét tuyển theo đề án tuyển sinh của học viện, xét tuyển thẳng, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) là một trong số ít trường ở khu vực phía Nam có đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không. Năm 2023, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét tuyển thí sinh dự tính du học nước ngoài vào CT chuyển tiếp Quốc tế, xét tuyển kết hợp.
Với phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí (kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học THPT, năng lực khác) ngành này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 59,94 điểm (A00; A01). Mức học phí ngành Kỹ thuật hàng không rơi vào khoảng 15 triệu đồng/kỳ học.