Đội bóng thành công nhất ở Đông Nam Á tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, tính cho đến thời điểm hiện tại, là Malaysia.
Đoàn quân của HLV Kim Pan-gon (người Hàn Quốc) tạm dẫn đầu bảng D sau 2 lượt trận, đang có 6 điểm. Họ là đội bóng duy nhất của Đông Nam Á dẫn đầu bảng đấu vòng loại của mình.
Dĩ nhiên, Malaysia may mắn nằm trong bảng rất nhẹ, bên cạnh các đội Đài Loan, Kyrgyzstan và Oman. Họ cũng chưa gặp đội về lý thuyết mạnh nhất trong 3 đối thủ nói trên là Oman. Tuy nhiên, cách xây dựng đội hình của Malaysia đã khác trước đây.
Nếu để ý kỹ, “trục dọc” (thủ môn – trung vệ – tiền vệ trung tâm – trung phong) trong đội hình của đội tuyển Malaysia hiện nay gồm những cầu thủ rất cao lớn, giỏi tranh chấp.
Họ thường sử dụng các trung vệ Dion Cools (1,85 m) và Junior Eldstal (1,91 m). Những người này nghe tên có vẻ rất “Tây”, nhưng kỳ thực họ sinh ra ở Malaysia. Tiền vệ trung tâm của Malaysia là Syamer Kutty Abba (1,86 m), còn trung phong là Romel Morales (1,87 m, đây mới là cầu thủ nhập tịch từ Colombia).
Tương tự như thế, đội hình gồm toàn các cầu thủ sinh ra ở châu Âu của Indonesia dĩ nhiên đặc biệt cao lớn, nhất là những người chơi theo trục dọc. Có lẽ không cần kể thêm về thể hình của các cầu thủ Indonesia, bởi đây là điều đã được nói đến quá nhiều trong thời gian vừa rồi. Những Elkan Baggott, Jordi Amat, Jay Idzes (trung vệ), Ivar Jenner, Thom Haye (tiền vệ trung tâm) và Rafael Struick (trung phong), không người nào cao dưới 1,84 m.
Ngay đến đội tuyển Thái Lan vốn không sử dụng quá nhiều cầu thủ nhập tịch cũng sở hữu những cầu thủ có thể hình rất đẹp ở những vị trí vừa nêu.
Đội bóng xứ sở Chùa Vàng ở Asian Cup 2023 sử dụng thủ môn chính thức là Saranon Anuin (1,87 m), các trung vệ Pansa Hemviboon (1,90 m) và Elis Dolah (1,96 m). Tiền vệ trung tâm của đội tuyển Thái Lan là Weerathep Pomphan (1,81 m). Còn trung phong của đội Thái Lan là Supachai Chaided (1,83 m).
Họ đều có tên trong danh sách 23 cầu thủ Thái Lan chuẩn bị cho các trận đấu gặp Hàn Quốc vào các ngày 21 và 26.3. Điều đó có nghĩa rằng Thái Lan nói riêng và các đội bóng Đông Nam Á ngày nay nói chung rất chú trọng đến yếu tố thể hình, yếu tố ảnh hưởng lớn khả năng chơi bóng bổng và khả năng tranh chấp.
Chỉ có đội tuyển Việt Nam không đi theo xu thế này. Các tiền vệ trung tâm và kể cả các tiền đạo của chúng ta khá nhỏ con. Có thể lối chơi chủ đạo của đội tuyển là lối chơi kiểm soát bóng, chú trọng đến kỹ thuật.
Đây là lối chơi hợp lý, được nhiều đội bóng mạnh trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, muốn có bóng để kiểm soát, trước tiên chúng ta phải tranh chấp tốt để giành được bóng. Đây là điều mà đội tuyển Việt Nam có phần thua sút so với Indonesia trong trận đấu thuộc vòng bảng Asian Cup 2023, trước khi chúng ta để thua 0-1.
Thật ra bóng đá Việt Nam vẫn nhiều cầu thủ có thể hình tốt, giỏi tranh chấp tay đôi và tranh bóng bổng, bên cạnh kỹ thuật không đến nỗi tồi. Ví dụ như ở hàng hậu vệ chúng ta có Huỳnh Tấn Sinh (1,85 m) có thể đá trung vệ tốt hơn so với Phan Tuấn Tài (1,72 m), có Hồ Tấn Tài (1,80 m) chơi bóng bổng tốt hơn so với những Vũ Văn Thanh và Phạm Xuân Mạnh (chỉ cao hơn 1,70 m chút ít).
Ngoài ra, hy vọng là khi Tiến Linh và Đình Bắc (cùng cao 1,80 m) trở lại, đội tuyển sẽ có những tiền đạo tốt hơn ở cả khả năng chơi bóng bổng lẫn săn bàn, trước khi đối đầu với Indonesia (tại Asian Cup 2023, Tiến Linh không tham dự, còn Đình Bắc bị chấn thương trước trận gặp đội bóng xứ vạn đảo).
Có thêm cầu thủ cao lớn trong đội hình, đội tuyển tự động sẽ có thêm phương án trong tấn công, thay vì chưa ra sân đã thiệt thòi về những phương án này. Đây cũng là xu thế chung mà ngay đến các đội lân cận chúng ta cũng đang cố gắng thay đổi cho phù hợp!