Theo sát của phóng viên báo Lao Động, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm khoảng 0,2 – 0,5%/năm trong tháng 1.2024, chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối giảm từ 0,2 – 0,3%/năm với lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Hầu hết nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 – 0,5%/năm. Riêng một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất 0,1 – 0,2%/năm như VPB, SSB, ABB, chủ yếu do mức lãi suất đã giảm quá sâu thời gian trước.
Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 4,6 – 5,2%/năm. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần đã thu hẹp từ mức 2 – 3%/năm giai đoạn 2021 – 2023, xuống còn dưới 1%/năm tại các kỳ hạn ngắn.
Lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua đã giúp mặt bằng lãi suất cho vay giảm so cuối năm 2023. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất đó là lãi suất vay ưu đãi áp dụng ở kỳ vay ngắn từ 3-12 tháng và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi suất vay ngân hàng giữa ưu đãi và sau ưu đãi ở các ngân hàng phổ biến từ 2-3,8%.
Cũng theo khảo sát, lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng trong tháng 3.2024 dao động từ 5-14,05%/năm, hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8-13%/năm.
Dẫu vậy, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1.2024 giảm so với cuối năm 2023. Theo lãnh đạo Vietcombank, đến cuối tháng 1.2024, tín dụng của nhà băng này giảm khoảng 30.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023, do xu hướng vay mua bất động sản tiêu dùng giảm từ năm 2023 và kéo đến tháng 1.2024 đi xuống trước bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, thiếu nguồn cung.
Về mảng khách hàng bán buôn, khó khăn tập trung chủ yếu ở vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, làm chậm tiến độ triển khai dự án mới, ảnh hưởng giải ngân các khoản vay trung dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều mảng tín dụng đặc thù có tính thời vụ vào thời điểm cuối năm như dư nợ phục vụ thanh toán quốc tế thường tăng vào cuối năm và giảm khi khách hàng trả nợ vào đầu năm tiếp theo; doanh nghiệp xuất khẩu thường có kỳ thu tiền vào cuối năm; doanh nghiệp FDI thường trả nợ khoản vay ngắn hạn để quyết toán…
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư tài chính DG Capital cho rằng, nguyên nhân chính tín dụng giảm là do không có đầu ra, tuy nhiên, cũng có vấn đề lãi suất cao khiến doanh nghiệp muốn đầu tư trung, dài hạn e ngại.
Lãi suất khoản vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại nhà nước hiện tương đối thấp, nhưng ở các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn còn khá cao, với dải lãi suất cho vay từ 9 – 12%/năm. Nguyên nhân là giá vốn của các ngân hàng này ở mức khá cao (lãi suất huy động kỳ hạn dài đầu năm 2023 ở các ngân hàng cổ phần tư nhân dao động trong khoảng 9 – 10%/năm). Tuy vậy, cùng với thời gian, nguồn huy động lãi suất cao giảm dần, đây là cơ hội cho các ngân hàng cũng giảm dần lãi suất cho vay.
Ngân hàng có thể không giảm thêm lãi suất tiền gửi nhưng có thể giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong công tác giải quyết các vấn đề pháp lý đối với các dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, TS Nguyễn Duy Phương nêu quan điểm.