Xuất khẩu gỗ khởi sắc ngay trong 2 tháng đầu năm
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Quốc Trị, năm 2024, mặc dù còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng triển vọng của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã có tín hiệu tích cực.
“Trong 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của ngành đạt trên 2,3 tỉ USD” – Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết.
Trao đổi với Lao Động, bà Cao Thị Cẩm – Ủy viên BCH Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) – cũng đánh giá cao những kết quả đạt được của xuất khẩu gỗ trong 2 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là thế mạnh của 5 mặt hàng xuất khẩu (XK) gỗ “Top đầu”: Đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán, viên nén. Đây là những mặt hàng được thừa hưởng nhiều lợi thế của năm 2023.
“Trong năm 2023, mặc dù nhiều khó khăn nhưng có nhiều mặt hàng gỗ XK đạt kết quả tốt, trong đó: Đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán, viên nén là 5 trong số các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn trong năm 2023, đạt 11,91 tỉ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch XK của ngành” – bà Cao Thị Cẩm thông tin.
Ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch Công ty GLE – cũng nhận định: “XK gỗ sẽ khởi sắc trong năm 2024. Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU vẫn là những thị trường tiềm năng, ổn định về XK đồ gỗ của Việt Nam”.
Rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng dự báo: Năm 2024, triển vọng thương mại toàn cầu được dự báo chưa thật khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận lợi tới hoạt động XK của nhiều ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ và lâm sản.
Theo Viforest, bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2024 không có quá nhiều biến động so với 2023. Chính phủ của các quốc gia tại các thị trường lớn tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt trong việc quản lý lãi suất ngành hàng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các thị trường này tiếp tục chứng kiến sự sự trì trệ trong thời gian tới.
“Đã có tín hiệu về suy thoái kinh tế đã diễn ra ở một số thị trường XK đồ gỗ quan trọng như Anh, Đức và Nhật Bản. Số vụ phá sản doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn so với 2022 tăng mạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh tại các quốc gia này trong năm 2024.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraina, Israel – Hamas và vấn đề tại Biển Đỏ đang trực tiếp làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm leo thang chi phí vận chuyển, giao hàng. Các thị trường XK chính tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu như 1 hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với nhiều nhóm mặt hàng từ các nước XK trong đó có Việt Nam, liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và phát triển xanh và sạch… là những thách thức không nhỏ với các DN”, ông Trần Lê Huy – Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định (FPA Bình Định) – nhận định.
Để phát triển ổn định, DN Việt cần mở ra các lối đi mới, dám đương đầu, để mở các “nút thắt” nêu trên.
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM – nêu rõ: Hội chợ quốc tế về đồ gỗ và nội thất lớn nhất Việt Nam – Hawa Expo đang diễn ra tại TPHCM là sự đổi mới, minh chứng cho sự nỗ lực của các DN Việt Nam trong xu thế mới, góp phần đưa toàn ngành chuyển đổi từ sản xuất gia công (OEM) sang phát triển sản phẩm có thiết kế riêng (ODM) để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ Việt.
“Thoả hiệp với danh xưng công xưởng gia công quốc tế là tư duy cần được gạt bỏ”, ông Khanh khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu XK năm 2024, cần phải có những giải pháp căn cơ trong việc đổi mới công nghệ, cung ứng nguyên liệu và đặc biệt là thị trường.