Giới chuyên môn, người hâm mộ vẫn nhớ về hình ảnh cú bật nhảy 1 chân trước khi đánh bóng ghi điểm của chị. Huệ có thể chia sẻ thêm về kỹ thuật này?
– Thời điểm những năm 1998-1999 khi tôi bắt đầu trưởng thành, các VĐV trong nước thường đánh quả nhanh, lao và kỹ thuật không ổn định. Riêng tôi thường đánh quả chậm, trung bình và xác suất ăn điểm cao.
Lên tuyển trẻ, tôi được thầy Thẩm người Trung Quốc truyền cho quả 1 chân ấy. Đến lúc này, có nhiều VĐV thực hiện được kỹ thuật đó nhưng có thể khẳng định không ai làm giống tôi.
Thầy dạy, ngoài tốc độ, quan trọng hơn là tính thời điểm. Thầy bảo, các em thường khi bóng chuyền ra mới di chuyển và trước khi đánh bóng đã có 4 chắn rồi, người ta dễ bắt bài, hóa giải. Còn tôi khi thực hiện động tác thường chỉ có 1 chắn theo kịp tình huống mà 1 chắn coi như bằng không với tôi.
Với tôi, để thực hiện 1 động tác kỹ thuật, một “ngón tủ” nào đó không khó. Nhưng để đạt tới độ nhuần nhuyễn, hợp lý thì phải rèn đi rèn lại. Ngày trước, tôi vẫn thường dậy sớm hơn các đồng đội để tập và tập thêm sau đó. Còn hiện nay các em chỉ tập đến đúng giờ chứ ít khi tập thêm.
Kim Huệ từng nói: “Mình hãy chọn nghề chứ đừng để nghề chọn mình”. Nhưng thực tế, trước kia Huệ chọn điền kinh nhưng cuối cùng lại trở thành ngôi sao bóng chuyền?
– Ý tôi khi nói câu đó là để nhấn mạnh sự đam mê. Khi mình đam mê thì hãy cố gắng đi đến cùng với đam mê dù có khó khăn thế nào đi nữa. Có đam mê, máu lửa mình mới làm tốt công việc, có thành tích và có thu nhập. Không có thành tích thì lấy đâu ra tiền mà sống?
Tóm lại là mình phải yêu nghề và đi đến cùng với nó khi đã chọn. Đó là “miếng cơm manh áo” của mình.
Nhìn lại những thăng trầm trong sự nghiệp của mình, có lẽ thời điểm năm 2006 là giai đoạn tôi cảm thấy thất vọng nhất vì cảm giác nghề nó quá bạc bẽo với mình. Đầu năm 2006 tôi bị chấn thương phải mổ ống quyển ở Bệnh viện 108. Thời điểm đó là mổ phanh chứ không được mổ với kỹ thuật hiện đại như bây giờ, còn bị sót chỉ trong cơ.
Vậy mà chỉ 2 tuần sau ca phẫu thuật, tôi phải tập lại để chuẩn bị thi đấu vì các giải đấu liên tiếp. Không đủ thời gian cho mình nghỉ ngơi.
Thế nên, việc bị tái phát chấn thương không có gì lạ và cuối năm 2006, tôi phải mổ lần nữa, lần này tôi sang Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật. Tuy nhiên vì trái tuyến nên tôi không được hỗ trợ gì cả, đều phải tự bỏ tiền túi phẫu thuật.
Sau đó còn một số chuyện mình cảm thấy rất khó chịu mà không muốn nhắc lại. Tôi cảm thấy bạc bẽo quá, cảm thấy mình không được quan tâm. Tôi đã quyết định dừng lại, lập gia đình rồi sinh con thời điểm 2007-2008.
Năm 2009, tôi tập lại với đội trẻ với mục đích… giảm béo thôi, nhưng cuối cùng người ta lại thấy tôi chơi được, thuyết phục gia đình, thuyết phục chồng cho tôi chơi lại.
Như thế mà tới năm 2012 tôi muốn ra quân đâu có dễ dàng gì? Cũng nhùng nhằng mãi mới xong.
Thời điểm đó, tôi có đủ mọi yếu tố để được ra quân vô điều kiện khi đã cống hiến cho đội chuyên nghiệp Bộ Tư lệnh Thông tin 12 năm 11 tháng, nghĩa là quá 11 tháng so với quy định. Sau trường hợp của tôi, người ta mới lập lại quy chế và sau đó, ai muốn ra quân phải cống hiến 15 năm.
Với những người hiểu tôi thì đều biết, thời điểm đó tôi chia tay Bộ Tư lệnh Thông tin, cập bến Ngân hàng Công Thương cũng chẳng vui vẻ gì. Nguyên nhân cũng chỉ vì kinh tế. Tôi mới lập gia đình, sinh con, cuộc sống khó khăn quá và lương ở Bộ Tư lệnh Thông tin không đủ sống. Nhìn bên ngoài, người ta tưởng tôi hạnh phúc lắm nhưng có những nỗi niềm tôi cứ phải giấu đi!
Cuộc đời mấy ai tính toán được hết những “nước đi”, cũng như khi Kim Huệ bắt đầu tập điền kinh nhưng sau lại đến với bóng chuyền. Lẽ thường, người ta vẫn tưởng mình có thể kiểm soát tất cả nhưng thực tế chỉ có thể nỗ lực, chuẩn bị và cho thấy bản lĩnh đương đầu với mọi thử thách. .
Gặp Kim Huệ, tôi cảm nhận cô là mẫu người như vậy, luôn dám nói, dám làm, tùy cơ ứng biến, đối mặt và sẵn sàng trả giá cho mọi “biến số”. Có lẽ điều đó nằm ở bản năng như cách chị bắt gặp “đàn chị” mang áo số 5 khi mới 14 tuổi.
Tôi cứ thắc mắc tại sao Kim Huệ lại chọn số 5 trong suốt sự nghiệp của mình, dù các VĐV “có số má” thường chọn áo số 6, 7, 8, 9, 10?
– Con số đó bắt đầu từ cái ngày tôi mới được tuyển chọn vào đội trẻ BTL Thông tin. Năm 1996, tôi đi xem một giải Cúp Mùa Xuân ở Hoàng Diệu. Có một chị chủ công mang áo số 5, béo, không cao nhưng chơi bóng rất thông minh và biến hóa, cứ lên là có điểm khiến đối phương cảm thấy chán, thậm chí bất lực!
Ngay từ lúc đó, tôi đã biết đây là mẫu hình mà tôi sẽ cố gắng noi theo. Tôi tự nhủ, sau này sẽ mặc chiếc áo số 5.
Thời gian trôi đi, số 5 như một con số may mắn của tôi, từ đội trẻ lên đội 1 BTL Thông tin rồi ĐTQG, chẳng có “đàn chị” nào cạnh tranh chiếc áo này cả. Nó như một số “sinh” vậy, sự nghiệp của tôi có thăng trầm như thế nào thì cũng vượt qua được. Một chi tiết nữa là số 5 cũng mang ý nghĩa biết thế nào là đủ, không kỳ vọng quá lớn!
Một chi tiết nữa liên quan tới số 5 là cái số căn nhà mà tôi mua trả góp. Ban đầu, căn phòng mà tôi đặt mua là căn số 6. Nhưng do đặt tiền chậm, người ta bán mất và tôi phải mua căn khác cạnh đó.
Khi tôi hỏi căn khác đó là căn nào, người ta bảo căn số 5. Tôi cứ buồn cười mãi bởi nếu là số 5 thì lại… hay quá! Nó như một cái duyên!
Sống và tập luyện trong môi trường quân đội với sự nghiêm khắc có hợp với tính cách của chị?
– Những ngày ở Bộ Tư lệnh Thông tin, trong môi trường Quân đội, VĐV bị cấm đi chơi đêm, cấm xăm hình và tôi toàn làm… ngược.
Có mấy ai hiểu cho VĐV chúng tôi nhiều khi stress lắm. Stress vì quanh năm chỉ biết tập luyện, thi đấu, rồi lại phải đối mặt với những điều tiếng không hay, thậm chí là cay nghiệt từ phía những người không thích mình, họ muốn mình phải chán, phải từ bỏ. Nói chung, có những nỗi niềm chẳng biết bày tỏ cùng ai.
Có thời điểm mỗi tuần tôi đi lên bar 3-4 lần mà đã đi bar là phải đi vào buổi tối, buổi đêm chứ! Lúc tôi đi một mình, khi đi cùng những người bạn bên ngoài. Lên chỉ để nghe nhạc, tán gẫu, giảm stress chứ tuyệt đối không động tới một quả bóng cười, một hơi shisha…
Nói ít ai tin ở tuổi 21 tôi mới biết đến tình cảm khác giới, mà chỉ là ngồi trò chuyện chứ đến nắm tay cũng không. Nói chung thời trẻ, tôi thuộc tuýp người cổ lỗ sĩ. Tôi nghĩ yêu thì phải chín chắn, chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân.
Với một VĐV có thể hình đẹp, chuyên môn giỏi, nổi tiếng từ rất sớm như Kim Huệ, có khi nào chị bị ảo tưởng về “sức mạnh bản thân”?
– Thời của tôi, để có thể ảo tưởng về bản thân rất khó chứ không như bây giờ khi mạng xã hội, thông tin bùng nổ.
Những ngày tôi bắt đầu khẳng định được tên tuổi cách đây khoảng 20 năm và khoảng thời gian sau đó nữa, để được xuất hiện trên một tờ báo giấy, dù chỉ là 1 bài viết nhỏ thôi cũng cẩn thận cắt ra, ép plastic cẩn thận để giữ làm lưu niệm. Đó như một sự ghi nhận cho quá trình phấn đấu của bản thân, là động lực giúp mình càng cố gắng hơn để được xuất hiện nhiều hơn trên mặt báo.
Tôi nghĩ, để nổi tiếng không khó nhưng nổi tiếng được bao lâu, khẳng định được tên tuổi, giữ được nó đến khi nào mới thật gian nan.
Ngày nay, các em được biết đến qua mạng xã hội, có tầm lan tỏa, cả nước biết đến nên càng phải giữ gìn hình ảnh của mình để ngày càng tỏa sáng.