AustraliaBộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng Tổng giám đốc CSIRO Doug Hilton trao Biên bản hợp tác lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sáng 8/3.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đồng Bộ trưởng Ngoại giao Tim Watts chứng kiến lễ trao. Theo bản ghi nhớ, hai bên hợp tác bảy lĩnh vực chính gồm: Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu chung; trao đổi thông tin, tài liệu và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo; đồng tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung; khuyến khích công bố chung các kết quả hợp tác; hỗ trợ thực hiện các chương trình hợp tác và xác định các lĩnh vực hợp tác mới.
CSIRO là cơ quan khoa học – công nghệ của Chính phủ Australia, được thành lập vào năm 1916. Đây là một trong những tổ chức khoa học – công nghệ đa ngành lớn nhất thế giới, gồm 5.500 nhân viên với 57 cơ sở đặt trên khắp Australia và các văn phòng đại diện tại Mỹ, Chile, Pháp, Singapore, Indonesia và Việt Nam. CSIRO đóng góp giá trị khoảng 4,5 tỷ đôla Australia cho nền kinh tế nước này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Australia – Việt Nam cùng hợp tác nghiên cứu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì bản thân hai nước, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất – quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó một trong “6 điểm hơn” là thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, định hướng của CSIRO tập trung cho công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp… đều phù hợp với các chính sách phát triển của Việt Nam. Ông đề nghị hai bên xây dựng các dự án cụ thể từ nguồn quỹ đầu tư 2 tỷ USD của Australia cho Đông Nam Á; và mong muốn hợp tác với CSIRO để triển khai các chương trình, dự án hợp tác thiết thực, hướng vào các lĩnh vực trọng tâm, mang lại kết quả cụ thể.
“Trong quá trình hợp tác sẽ không tránh khỏi vướng mắc. Điều quan trọng là hai bên chung tay giải quyết, nỗ lực để thành công nhiều hơn thất bại”, ông nói, yêu cầu các địa phương, bộ, ngành xây dựng chương trình, dự án để mời CSIRO hợp tác. Chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách điều hành để các chương trình, dự án triển khai được thuận lợi.
Tổng giám đốc CSIRO Doug Hilton cho rằng thế giới ngày nay đang đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Australia và Việt Nam không ngoại lệ, cũng không thể đơn độc giải quyết. Vì vậy, các nhà khoa học chung tay giải quyết vấn đề sẽ mang lại kết quả tốt hơn những giải pháp đơn lẻ.
Ông Doug Hilton nói rất vui khi được hợp tác với Việt Nam về khoa học công nghệ như chương trình ngành tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình chấm dứt rác thải nhựa; công nghệ quan sát bằng vệ tinh; chương trình nghiên cứu y tế phục vụ chữa trị ung thư. “Australia mong muốn phát huy thành tựu, xây dựng tương lai đổi mới sáng tạo”, ông nói.
Đồng Bộ trưởng Ngoại giao Tim Watts nhắc lại khung khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện của hai nước khẳng định chương trình hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là trụ cột.”Chúng ta có thể thúc đẩy lĩnh vực quản lý nhà nước, giúp Việt Nam thu hút FDI về khoa học công nghệ”, ông nói.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Australia đối với Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (Aus4Innovation) từ năm 2018 đến nay, trong đó CSIRO quản lý trực tiếp.
Theo ông, việc ký kết và đưa vào triển khai Biên bản ghi nhớ về việc tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và CSIRO chắc chắn sẽ tạo các điều kiện ngày càng tốt hơn cho các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp hai nước thời gian tới.
“Việt Nam coi đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, do đó chúng tôi đang tập trung vào các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, AI, dữ liệu lớn, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, nhất là tập trung vào nghiên cứu ngành sản xuất chíp bán dẫn, hydrogen…”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết hiện nay CSIRO đang hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về ngành hàng trái cây, khoai tây chất lượng cao. Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu ha lúa ít phát thải, chất lượng cao. Các mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam đều gắn với chuyển đổi xanh.
Hợp tác này giúp giải quyết các thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đang đối mặt. Thời gian tới, Việt Nam mong Australia hỗ trợ chuẩn hóa trong lĩnh vực nông sản, nhất là cá tra và tôm mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đang thăm chính thức Australia, từ ngày 7 đến 9/3.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, Chương trình Aus4Innovation được thực hiện thông qua quan hệ đối tác ba bên giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia – CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST) với tổng ngân sách 13,45 triệu AUD nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam trong tương lai số.
Chương trình đã có nhiều hoạt động được triển khai. Một trong số đó là 12 giải pháp đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ cao để giải quyết các thách thức về kinh tế xã hội; Xây dựng và phát triển 8 nền tảng hỗ trợ hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Đóng góp vào các chính sách quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như phát triển các công cụ để xây dựng các chính sách góp phần tạo dựng một môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Từ giữa năm 2023 Chương trình Aus4Innovation được quyết định kéo dài thêm 5 năm đến 2028, nâng mức tài trợ từ 13,45 triệu AUD lên 33,5 triệu AUD hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.