Hướng tới mạng lưới thông minh và bền vững
130 triệu là số khách hàng sử dụng di động trên toàn cầu mà Viettel phục vụ với mạng lưới hàng trăm nghìn trạm thu phát sóng. Riêng ở thị trường Việt Nam, với thị phần hơn 56%, Viettel có hơn 80% thuê bao sử dụng 4G. Cách đây 3 năm, tỷ lệ này chỉ là 35%. Chuyển dịch từ 4G lên 5G dự kiến sẽ diễn ra nhanh hơn nữa, Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA) ước tính số thuê bao 5G sẽ chiếm 50-60% trước năm 2025.
Nhu cầu sử dụng liên tục tăng nhanh đòi hỏi hạ tầng mạng lưới mở rộng hoặc mật độ các trạm phát sóng trở nên dày đặc hơn. Đây cũng là lý do Hội nghị Di động Thế giới (MWC) 2024 đặt ra một trong những chủ đề thảo luận là “Kết nối vạn vật”, cách phát triển các mạng lưới bền vững để đảm bảo an toàn cho người dùng và giảm thiểu tác dộng môi trường. Là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt tại sự kiện, Viettel đem đến Autonomous System – hệ thống vận hành mạng lưới tự động hoá, an toàn và tiết kiệm năng lượng.
“Viettel vận hành mạng lưới với quy mô 11 nước, khoảng 100 nghìn trạm. Ở quy mô lớn như vậy, để đảm bảo mạng có chất lượng tốt và tối ưu thì cần tự động hoá và thông minh hoá mạng lưới”, ông Nguyễn Duy Hưng, Kỹ sư thiết bị tổng trạm tại Viettel Networks, cho biết. Theo các khảo sát của Ookla và Umlaut trong năm 2023, Viettel là mạng di động nhanh nhất ở Việt Nam; vùng phủ cũng cao hơn 10% so với vị trí thứ hai.
Giải pháp thay đổi cách thức vận hành và bảo trì các trạm BTS
Ngoài cáp quang và các trung tâm kỹ thuật lớn, mạng lưới viễn thông được cấu thành từ các trạm thu – phát sóng (BTS). Đây là các thiết bị “giao tiếp”, chuyển và nhận tín hiệu với thiết bị đầu cuối trong tay người dùng. BTS được xây dựng đến đâu đồng nghĩa dịch vụ của nhà mạng được cung cấp đến đó, trong trường hợp của Viettel là gần như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và tại 10 thị trường nước ngoài.
Trước đây, trạm BTS cần nhân sự theo dõi 24/7 để kịp xử lý các tình huống phát sinh hay đến tận nơi để bảo dưỡng hệ thống, do đó khó duy trì các trạm ở vùng sâu vùng xa. Bây giờ, với Autonomous System, các trạm BTS của Viettel không cần người túc trực để vận hành và bảo trì nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất cao và không xảy ra lỗi. Đây cũng là hệ thống đảm bảo cho mỗi cuộc gọi và dữ liệu di động liền mạch và ổn định, từ các vùng núi cao như Yên Minh, Hà Giang đến huyện đảo như Trường Sa.
Autonomous System gồm 3 sản phẩm, hệ thống tự động tối ưu hoạt động hạ tầng cơ điện trạm viễn thông (SON M&E), hệ thống tối ưu chất lượng vùng phủ (x-Optimization) và hệ thống tự động xử lý sự cố (vFCR) đã thay đổi cách thức vận hành và bảo trì các trạm BTS.
Nếu như trước đây, nguồn điện chính của trạm BTS bị ngắt đột ngột sẽ dẫn đến gián đoạn dịch vụ. SON M&E là hệ thống tự động chuyển đổi sang nguồn điện dự phòng, đảm bảo trạm vẫn hoạt động bình thường, không gián đoạn. Đối với những khu vực không có điện lưới, SON M&E tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của trạm, kéo dài thời gian hoạt động pin Lithium 20% so với mức trung bình, hạn chế sử dụng máy phát điện chạy xăng và ước tính giảm phát thải khoảng 1.000.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương trồng 17.000.000 cây xanh.
“Điện năng tiêu thụ đang ngày càng trở thành vấn đề quan trọng, hơn cả hiệu năng thuần tuý, quyết định việc thiết bị có ứng dụng được hay không”, ông Dan Rodriguez, Tổng Giám đốc Nhóm Nền tảng mạng Intel, cho biết tại gian hàng Viettel ở MWC 2024.
Kết hợp 3 giải pháp, Autonomous System tạo ra một hạ tầng tự động, hiệu suất cao, góp phần giải quyết các lo ngại về môi trường trong bối cảnh mạng lưới viễn thông liên tục mở rộng.
“Viettel đặc biệt chú ý đến việc tạo ra các giải pháp, sản phẩm thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới”, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, chia sẻ tại MWC 2024.
“Trạm phát sóng của Viettel được lắp đặt khắp mọi miền tổ quốc, kể cả ở trong rừng, biên giới, hải đảo. Trước đây mỗi lần đến kì kiểm định, các kỹ sư đều phải mất gần 1 ngày để băng rừng hay vượt sông, qua biển…đến từng trạm. Nhưng bây giờ, chỉ cần ngồi tại phòng điều khiển, tất cả việc tối ưu đều được SON M&E thực hiện trong vài phút”, ông Đỗ Văn Tuấn, Kỹ sư cơ điện trạm BTS tại Viettel Networks, chia sẻ.
X-Optimization (XO) làm nhiệm vụ tối ưu chất lượng vùng phủ, khắc phục hiện tượng sóng yếu tại một số nơi trong khi chồng lấn tại các nơi khác. Với thuật toán học máy, XO tự động điều chỉnh hướng và góc, tối ưu vùng phủ sóng theo thời gian thực. Nếu không có công nghệ này, các kỹ sư sẽ phải thay phiên trực 24/7.
“XO xử lý hiện tượng sóng yếu chỉ mất vài giây, kể cả ở các quốc gia cách Việt Nam hàng nghìn cây số như Mozambique”, ông Hưng cho biết.
Khi hiệu suất và vùng phủ đã được đảm bảo, BTS vẫn đối mặt với lỗi phát sinh trong quá trình vận hành. “Khi phát triển vFCR, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo tính ổn định và liền mạch trong trải nghiệm người dùng cho dù ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào,” ông Trần Văn Quý, Kỹ sư phát triển phần mềm tại Viettel Network, cho biết.
vFCR phân tích dữ liệu để dự đoán những kịch bản lỗi có thể xảy ra, sẵn sàng xử lý khi phát sinh sự cố. Thời gian xử lý sự cố từ khi phát hiện rút ngắn còn 1-2 phút thay vì 15-30 phút như trước đây. “Lỗi phát sinh được vFCR giải quyết ngay tức khắc, và người dùng gần như không nhận thấy gián đoạn về dịch vụ thoại hay truy cập Internet”, ông Quý nói. Tính riêng năm 2023 tại thị trường Việt Nam, vFCR đã xử lý tự động hơn 370.000 cảnh báo, đạt tỷ lệ thành công hơn 90% với số lượng kĩ sư chưa đến 20 người.
Bích Đào