USD tự do lại “nóng bỏng tay”, kênh đầu tư chứng khoán có lo?
Trên thị trường tự do, khảo sát tại nhiều cửa hàng tại Hà Nội, giá USD thu mua hiện đã quanh 25.400 đồng/USD. Giá USD bán ra ở một số nơi đã tiến gần 25.700 đồng/USD, vượt xa mức đỉnh hồi tháng 10-11/2022.
USD tự do “nóng bỏng tay”, lập kỷ lục mới
Liên tiếp nhiều ngày qua, USD trên thị trường tự do duy trì chuỗi dài tăng giá. Khảo sát tại nhiều cửa hàng trên phố Hà Trung, Hà Nội, giá USD đang được mua vào quanh mốc 25.400 đồng/USD. Giá USD bán ra cũng chỉ chênh 70– 100 đồng mỗi đôla. Một số nơi, giá USD yết cao hơn nhiều, thậm chí tiến sát 25.700 đồng/USD ở chiều bán ra.
Trước đó, trong tuần cuối cùng của tháng 2, tỷ giá trên thị trường tự do biến động mạnh khi bật tăng lên vùng đỉnh lịch sử, là 25.450 đồng/USD. Xô đổ các kỷ lục từng ghi nhận giai đoạn tháng 10-11/2022, giá USD đang được mua bán ở mức cao nhất trong lịch sử giao dịch.
Ngày 5/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 24.012 VND/USD, tăng 8 đồng so với niêm yết trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.811 VND/USD, tỷ giá trần là 25.213 VND/USD. Giá USD trên thị trường chợ đen đang cao hơn nhiều mức giá trần quy định tại NHNN.
Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại phần lớn đều tăng nhưng biên độ tăng chỉ 10-15 đồng/USD và vẫn còn cách một khoảng khá “an toàn” với giới hạn tối đa được phép giao dịch. Tuy vậy, tỷ giá USD tại các ngân hàng cũng đang về sát vùng đỉnh ghi nhận hồi cuối năm 2022, phổ biến ở mức 24.850 – 24.870 đồng/USD chiều bán ra.
Bên lề Toạ đàm: Thị trường chứng khoán Xây nền – Tích luỹ – Bứt tốc do Báo Đầu tư tổ chức, chia sẻ về những yếu tố tác động lên tỷ giá thời gian gần đây, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS nguyên nhân đầu tiên phải kể đến vẫn là chênh lệch lãi suất VND-USD âm kéo dài ở mức rất cao, khoảng 500 điểm cơ bản.
Cùng đó, trong thời gian vừa qua, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ở mức khá cao, tạo ra nhu cầu rất lớn để nhập khẩu vàng, trong đó có vàng trang sức, vàng nhẫn. Ở thời điểm hiện tại, trước sức nóng của giá vàng thế giới, vàng miếng SJC cũng đang giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử (80,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra). Theo ông Sơn, yếu tố này có thể khiến nhu cầu USD tăng cao trong thời điểm ngắn hạn, gây ra ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá.
Thứ ba, câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài rút bớt vốn trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm ngoái cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu USD trên thị trường căng thẳng hơn.
Đồng USD đang rất nóng trên thị trường tự do, ông Sơn cho rằng có một số tín hiệu cần theo dõi trong thời gian tới. Thứ nhất, việc Fed có thể sẽ hạ lãi suất ở nửa cuối năm sẽ thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất giữa VND-USD. Nhân tố bên ngoài này có thể giúp giảm bớt áp lực cho tỷ giá. Thứ hai, về thị trường vàng, Chính phủ đã nhận định được vấn đề và có thể sẽ sớm sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng tới đây để đảm bảo cung ứng vàng cho nhu cầu mua tiêu dung, giảm bớt sự chênh lệch. Đây cũng là yếu tố có thể giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Cuối cùng, về mặt cân đối vĩ mô, xuất khẩu đang tăng tốc trở lại; thặng dư từ xuất khẩu cũng đang duy trì ở mức tốt. Vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dương cùng dòng vốn kiều hối là những nguồn cung USD trên thị trường. Cùng đó, dự trữ ngoại hối Việt Nam trong giai đoạn hiện tại khá tốt. Các yếu tố mà có thể giúp cho tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục giữ ổn định trong năm nay, mặc dù có thể sẽ vẫn mất giá nhẹ.
Sẽ tác động tiêu cực nếu đồng nội tệ mất giá trên 3%
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá VND/USD tại Vietcombank đang bán ra ở mức 24.850 đồng/USD, tăng 1,76% so với cuối năm 2023. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 0,32% so với cuối năm 2023. Thời điểm cuối năm vừa qua cũng là lúc thị trường vàng trong nước “điên loạn”, cách xa mức giá thế giới quy đổi tới gần 20 triệu đồng/lượng và chỉ hạ nhiệt sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, trong hơn hai tháng qua, tỷ giá JPY/USD đã tăng 6,33%; tỷ giá KRW/USD tăng hơn 3%.
Xét trên tương quan với các đồng tiền của các quốc gia khác, ông Sơn nhận định trường hợp đồng nội tệ của Việt Nam giữ được ở mức giảm giá nhẹ đã là một thành công trong năm nay. Trước đó, vào giữa tháng 2/2024, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền mạnh đã có thời điểm chạm mốc 105 điểm. Giai đoạn đó, tỷ giá VND/USD lại khá bình ổn sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Ở thời điểm hiện tại, giá USD trên thị trường tự do lại nóng lên khi DXY đã hạ nhiệt đáng kể, dù vẫn đang neo cao (gần 104 điểm).
Diễn biến chỉ số DXY trong một năm qua – Nguồn: TradingEconomics |
Đánh giá về tác động của diễn biến của tỷ giá, chuyên gia phân tích từ VPBankS cho rằng nếu tỷ giá VND/USD có thể giữ tương đối ổn định, tăng dưới 2% sẽ không tác động quá nhiều, đồng thời hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá sâu.
Còn khi tỷ giá bị mất giá trên 3%, điều này sẽ tác động đối với nền kinh tế khi mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp bất lợi hơn về mặt chênh lệch tỷ giá và có thể sẽ bị hạch toán lỗ do chênh lệch tỷ giá. Thứ hai, khi tỷ giá biến động sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ làm cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp bớt vốn khi mà tỷ giá biến động này mạnh.
Ngoài ra, áp lực đối với tỷ giá cao dần cũng tác động lên hoạt động điều hành chính sách tiền tệ. Trong báo cáo mới công bố về thị trường ngoại hối vừa công bố, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư – CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đề cập đến khả năng NHNN sẽ có thể tính đến các hành động nhằm ổn định tỷ giá. Trong đó, trước mắt có thể là việc phát hành trở lại tín phiếu. Nhu cầu ngoại tệ tăng dần từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và việc bán dự trữ ngoại hối cũng có thể xem xét.
Diễn biến tỷ giá tại ngân hàng thương mai và thị trường tự do từ năm 2022 đến nay – Nguồn: SSI Research |
Trước đó, trong giai đoạn từ tháng 9-11/2023, NHNN cũng đã phát hành tín phiếu là điều mà cũng được thực hiện với hình thức đấu thầu lãi suất. Dù ý kiến của nhiều chuyên gia nhận định động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước không đồng nghĩa với đảo chiều chính sách tiền tệ, tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thời gian đó khá tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến thị trường chứng khoán.